Saturday, October 3, 2015

Bến đò xưa lặng lẽ - Chương 4


Tác giả: Xuân Đức

CHƯƠNG 4 


Chiếc xe bốn chỗ ngồi màu đen đã rút ra khỏi đám đông trên sân Nhà văn hoá từ lúc nào không ai để ý. Cả hai người đàn bà danh giá, một trung niên, một đã già, ai ngồi ghế nấy lặng lẽ, khô khan nhìn thẳng ra phía trước. Chiếc xe chạy thật thong thả. Người lái xe cũng trạc tuổi với giám đốc Linh và rất hiểu ý chủ nhân. Anh đã lái chiếc xe này, làm bạn đường với nữ giám đốc giàu có kia gần sáu năm. Không bao giờ anh mở mồm hỏi "xếp" đi đâu, dừng lại ở đâu. Anh cứ lặng lẽ lái. Chủ nhân thường ngồi ghế sau, thỉnh thoảng lại cất tiếng điều chỉnh như một công tắc tự động: rẽ trái, đi thẳng, cứ đi đi, thôi dừng, chờ......
Xe ra khỏi khu vực trung tâm thị xã thì chủ nhân bắt đầu lên tiếng, nhưng lần này không phải nói với lái xe.

- Mạ có về qua chỗ con không?

- Thôi....cho mạ về nhà......

Người lái hiểu, như vậy là cho xe chạy thẳng theo đường quốc lộ I vào Huế.

- Các ông lãnh đạo tỉnh đã cấp đất cho mạ ở trung tâm thị xã rồi đó. Mạ có ý định ra không?......

Li im lặng. Thực ra ngay từ những ngày đầu chia tách tỉnh, chị đã rất náo nức muốn trở về quê. Nhưng bây giờ thì.......

- Này, có phải chính con ép các chú ký về việc đất đai của mạ không?

Linh bật cười, một kiểu cười sít sao hai hàm răng, kiểu cười mang cốt cách của Lương chứ không phải của Li.

- Ép cái gì, tiêu chuẩn mình, mình nhận.

- Tiêu chuẩn gì nào. Mạ về hưu khi còn tỉnh Bình - Trị - Thiên, cũng đã có nhà trong Huế rồi.......

- Mạ cứ ép xác như thầy tu ấy.Sống thế chỉ có thiệt mình......

- Thiệt cái gì? Tao có thấy thiệt thòi gì đâu.

- Mạ không thấy thiệt nhưng con thấy. Tội đếch gì mà nhường cho người ta ăn hết. Mình không đớp mất phần của họ là được.

Người đàn bà lớn tuổi sa sầm mặt lại. Chị không thể ngờ đứa con gái đã đứng tuổi của chị, lại còn là một giám đốc danh giá nhất tỉnh nữa, mà lại có kiểu nói năng mang đậm chất chợ búa như vậy. Nhưng Li chỉ thở dài. Chị biết, chị đã hết thời dạy dỗ, bảo ban con cái. Ngay từ ngày còn giữ chức vụ quan trọng của tỉnh, cái chức mà bất kỳ một đảng viên nào, một tổ chức Đảng nào trong tỉnh cũng phải nể sợ, thì con Linh vẫn cứ hay cãi nhát gừng như thế với chị. Thực ra chị biết rõ không phải nó hỗn láo hay không tôn trọng chị. Chị có thể nhận ra rất rõ tấm lòng của đứa con nuôi, nó thương chị gấp nhiều lần thương mẹ đẻ. Bây giờ chị nghỉ hưu tại Huế. Đứa con trai duy nhất là Đình lại theo nghề công an hình sự, quanh năm suốt tháng cứ biệt tăm, mất tích. Những lúc trái gió, trở trời, chỉ có mình Linh lo liệu. Chị bị bệnh cao huyết áp. Nhiều khi cơn đau đến đột ngột. Chị lặng im, chịu đựng, không điện báo cho Linh. Nhưng cô y tá nhà ở cạnh lại bí mật điện cho Linh. Có khi gần nửa đêm xe của Linh đỗ xịch trước cửa. Nó chạy ào vào. Chân chưa bước lên sàn nhà, miệng đã sa sả: " nhà sắm điện thoại ra làm gì mà không gọi cho con. Mạ sợ tốn tiền à ?''. Nghe cách nói thiếu lễ độ của con, chị buồn lắm. Nhưng chị cũng đủ minh mẫn để biểu rằng, nó rất lo cho chị.
- Mấy hôm ni thằng Đình có về chỗ con không?
Linh hơi bị giật mình. Cô liếc nhanh qua mẹ rồi xẳng giọng
- Về làm gì !
- Hừ, chị em mà hỏi hay nhỉ ! Ngừng một tí, giọng Li khẽ lại, không biết dạo này....nó ra sao nữa......
Linh hơi nhếch mép:
- Tuyệt vời. Làm ra cái vụ án mồ mả này, cậu Đình có công đầu đấy....
- Nó vẫn thế. Chi thì chi, nói về công việc hắn luôn tận tuỵ
- Thì có "ren" của mạ mà......
Li bất chợt nhíu mày. Chỉ câu nói này của Linh là câu khó chịu nhất. Mỗi lần nghe Linh xổ ra cái từ "ren" ấy, chị thật sự buồn. Cái ngày Linh còn thơ dại, còn ngoan ngoãn đáng yêu, chị chưa tiết lộ cho nó biết gốc gác thật của nó. Lúc đó, nó quý thằng Đình đến mức hễ mẹ quát to em một cái là con chị đã rơm rớm nước mắt. Rồi không biết bắt đầu từ lúc nào, Linh bỗng trở nên khó tính. Nó là đứa con gái táo bạo, mạnh mẽ, nhưng hết sức khó bảo......Không biết bắt đầu từ đâu, nó có cái nhìn đối với mẹ và em khác lạ. Lúc đó Li đoán, chắc nó đã nghe phong phanh lời đồn thổi đâu đó.....Chị thấy, có lẽ đã đến lúc phải nói sự thật......

Đó là những ngày thật sự khủng khiếp đối với gia đình chị. Có một sự rạn nứt âm thầm. Chị linh cảm rất rõ điều đó ! Tuy nhiên cái từ "ren" lúc ấy chưa ai nói. Mãi gần đây, trên thế giới đâu đó người ta bàn nhiều đến cái học thuyết zen.....Chị chẳng hiểu nó có ý nghĩa gì. Nhưng thời đại văn minh ác độc thế đây. Chuyện đâu đó trên thế giới cũng có thể nhanh chóngg lọt vào tận gốc bếp nhà chị. Cái từ "ren" bắt đầu bục ra từ miệng Linh. Nó là cái gì chị không hiểu. Nhưng chị nhận tháy rất rõ, nó là cái đỉnh cắm phập vào tim chị.





l





Khi Lương đột ngột xuất hiện trước bậc cửa, Li sửng sốt đến mức không kêu lên được thành tiếng. Mừng, rồi kinh ngạc, rồi hốt hoảng lo lắng.....Đó là một đêm đầu mùa hè năm 1952. Kể từ khi Lương dứt áo ra đi theo cha Cựu ra ngoài Phước Sơn, Li tuyệt nhiên không biết một chút gì về tin tức của bạn. Những năm đó, cả vùng đất này cũng như ngoài đó, du kích đánh mạnh. Giặc Pháp cũng càn nhiều. Nói chung, dân tình xao xác, thấp thỏm trong nỗi sợ hãi. Phía trên làng Quách Xá là vùng du kích, nối liền với căn cứ Cây Trai, Cây Trổ. Còn ở Phước Tuyền, vẫn được coi là vùng tạm chiến. Nhưng ban đêm lại thuộc về Việt Minh. Vì vậy, việc Lương xuất hiện vào ban đêm, với nét mặt xanh xao, phờ phạc khiến Li hốt hoảng. Hay Lương đã thành du kích Việt Minh?

Li kéo bạn vào buồng. Nưả người dưới của Lương ướt sũng vì phải lội qua sông Hiếu. Bến lội ấy phía trên Quách Xá. Sao bạn Lương không về trên đó mà lại xuống đây......

Li ném cho bạn bộ áo quần rồi lách người ra ngoài. Cô khẽ đảo mắt nhìn ra ngõ. Không có động tĩnh gì. Li đi nhanh xuống bếp rót cho bạn cốc nước ấm ......

Bây giờ thì cả hai đều bình tĩnh. Lương ngã người tựa lên bờ vách của căn buồng, mắt khép hờ ra dáng mệt mỏi. Li sốt ruột muốn hỏi Lương nhiều chuyện, nhưng không biết nên bắt đầu thế nào. Cô ngắm bạn trong ánh đèn dầu. Có cái gì đó đã thật sự biến đổi trên khuôn mặt, dáng người của Lương. Hai hố mặt sâu hơn, u tối hơn, chiếc cổ có vẻ dài ra, lại có vài tia máu màu xanh gợn lên. Bộ ngực có vẻ cộm to hơn. Hơi thở gấp gáp.

Lương mở mắt ra, bắt gặp ánh mắt tò mò của bạn, cô xẳng giọng:

- Nhìn chi ? Khác lắm hả?

Li lúng túng:

- Này......có chuyện chi à?

Lương thở hắt một cái, nhìn chiếu tướng bạn:

- Tao có bầu rồi.......

Li sửng người...Không hiểu sao cô lại gật gật như thể đã đoán ra từ trước. Giọng Lương đột ngột trầm xuống, đôi mắt rơm rớm nước.

- Tao..không thể ở ngoài đó được..Tao không thể để cho họ nhìn thấy cái bụng của tao...Tao cũng không thể về sinh nở trên làng của tao được. Mày phải giúp tao.......

Rồi Lương nằm vật xuống giường, úp mặt lên gối. Cô khóc! Cả tấm thân rung lên. Li như kẻ mất hết trí giác, không còn biết phản ứng thế nào. Cô chỉ còn biết vỗ vỗ lên lưng bạn.......

Cũng may cho họ, vào những năm đó, những làng xã ở nơi giáp ranh giữa đồng bằng và rừng núi này, nói chung là rất bất ổn. Ban ngày lính bảo an lố nhố, ban đêm du kích lùng sục. Các chức sắc của xã, của làng thì lúc nào cũng hốt hoảng. Ban ngày xum xoe với giặc, ban đêm thì xu nịnh lấy lòng Việt mình. Họ chẳng còn hồn vía nào để duy trì kỷ cương phép nước cũng như lệ làng. Vì vậy mà việc Lương xuất hiện với cái bụng chửa, cũng chỉ lao xao dư luận ít ngày rồi chẳng ai còn tâm trạng nào mà thóc mách nữa.

Với lại, Lương vốn là một loại con gái không bình thường. Trước đây cả làng ai cũng biết cô rất thân với cha Cựu. Rồi cô lại bỏ quê đi biệt tăm mất tích hơn hai năm. Nay bỗng dưng xuất hiện, tính khí càng thêm thất thường. Lại còn thêm cái Li nữa, loại con gái không dễ để cho ai bắt nạt. Cũng có vài người tò mò hỏi về Lương. Li trợn mắt, nhăn mũi, nửa ra vẻ bí mất, nửa như thể đe doạ :

- Này, muốn mất đầu hả. Đừng có dại mà hỏi chị ấy, thiệt thân đó. . . . Cái gì ? Cái bụng ấy hả ? Trời ơi, của Ngọc Hoàng đó. Rồi cả làng mình sẽ nhờ vào cái bụng ấy đấy . . . .

Không ai hiểu nổi câu ấy ám chỉ điều gì. Nhưng nói chung không ai dám bỡn cợt nữa. Của Ngọc Hoàng nghĩa là gì ? Có người đoán Lương đã có được sự che chở của cha Cố, có người lại nghĩ không chừng cô ta có quan hệ với du kích Việt Minh...Thời buổi nhiễu nhương này, không ai biết chắc thế sự ai thắng ai, tốt nhất đừng dại mà dây vào.

Cuối cùng mọi sự hoá ra cũng dễ chịu. Từ cái buổi sáng quyết định trốn khỏi nhà Phúc, Lương lo lắng vô cùng. Xa quê hơn hai năm tưởng đã làm nên ông gì, bà gì, nay lại vác cái bụng trở vào liệu có còn sống nổi với dư luận? Nếu người làng cứ truy bức cái thai thì biết khai thế nào, nói là của một kẻ lang thang bờ bụi hoá ra mình là thứ người gì, nói là của một cán bộ Việt Minh thì lạy Chúa, liệu mấy ông chức sắc trong xã có tha thứ cho không ? Suốt một đêm trằn trọc, Lương không sao gỡ rối được cho mình. Nhưng đã đến đường cùng rồi, không thể để chậm thêm được nữa, cái bụng đã bắt đầu căng căng. Ban ngày mang áo thụng đen còn che dấu được. Căng thẳng nhất là giờ đi tắm và lúc ngủ đêm. Mà hình như các Xơ cũng bắt đầu để ý. Nhất là Xơ bề trên. Rồi cả cha Cựu nữa. Lần nhận hàng cuối cùng ấy, cha cứ nhìn soi mói vào cổ Lương...Có cái chi nơi cổ mà nhìn dữ vậy ? Cả người Lương cứ run lên. Cái lần nhận hàng cuối cùng ấy, cha Cựu đầy vẻ căng thẳng, cứ dặn đi, dặn lai : con phải thật chú ý, thật khẩn trương, sáng mai phải đưa hàng lên Hồ Xá ngay, nhớ chưa ? Khi quay về Dục Đức, Lương đã kịp mò ra bến đò Hói Cụ. Lương tuyệt nhiên không hé răng về chuyện mình có mang, càng tuyệt nhiên không hở hơi về ý định bỏ trốn. Cô chỉ nói lại cho Khảm biết về những lời cha Cựu dặn, vì sau lần nghe Khảm giải thích, dù chưa thật tin lắm nhưng Lương cũng đoán trong gùi hàng mình nhận, hẳn phải có gì quan trọng hơn những gói thuốc lá cuốn.

Sáng hôm sau, Lương lên đến cầu Lèo Heo thì bị hai chiếc đò ập đến kẹp vào. Một tốp ba thanh niên lạ nhảy vào đò cô, giật chiếc gùi rồi biến đi. Không ai làm gì Lương. Nhưng Lương cũng không quay về nhà Phúc nữa. . . .

Bây giờ thì tất cả đã qua, mọi sự diễn ra vượt khỏi sự đon lường của Lương. Nhất là Li. Cứ nghĩ thế nào hắn cũng khinh ghét, chế giễu, hay chưởi rủa không thương tiếc. Thì biết làm sao, đành cúi đầu chịu nhục vậy. Lương từng dự đoán thế, nhưng ngoài nó ra cũng chẳng còn biết nhờ cậy vào ai. Giờ thì mới thấy tình bạn của họ quý giá biết chừng nào. Sau cái giây phút ngỡ ngàng đầu tiên khi mới gặp lại nhau, Li thật sự là chỗ dựa cho cuộc sống của Lương. Hơn cả thế, có vẻ Li rất thích cái bụng phình phình này. Đêm, hai đứa ôm nhau nằm, Li cứ sờ tay suốt đêm lên bụng bạn rồi bất giác lại sờ tay lên bụng mình , phì cười. " Mi cười cái chi ? " " Nì, lúc ấy thế nào" " Lúc ấy là lúc nào ? ". Li sấp mặt vào phía bạn, tay thuồn vào bên trong áo của Lương, nắn nhẹ lên hai bầu vú đã sưng của bạn, cười rúc rích " Chắc sướng lắm hí " " Đồ quỷ "

Lương co rúm người lại mà cười. Mặt đỏ lựng. Sự kích thích của bàn tay bạn với những câu hỏi thô tục ấy đã gợi lại tất cả những giây phút hoan lạc ngất ngây mà chỉ có mình cô tự biết. Rôì bỗng nhiên cô nhớ đến Khảm. Khuôn mặt, bóng hình, cả giọng nói, cả đôi vòng tay siết chặt nữa. Bất giác có một nỗi niềm nghèn nghẹn chẹn lấy ngực Lương. Nhớ anh vô vàn, mà cũng giận anh sâu thẳm . . . Giờ này chắc Khảm đang tất tả ngược xuôi tìm Lương. Việc cô bất ngờ mất tích, chắc chắn nhà Phúc sẽ nháo nhác, cả trên nhà dòng hẳn cũng hoang mang. Nhưng mặc kệ. Đối với Lương, mọi thứ đều đã chấm hết. Nhưng mà với anh... Liệu có đoạn tuyệt được không? Liệu anh có ngơ ngác bơ vơ đi tìm trên con đường tỉnh lộ xuyên rừng ấy, có vẩn vơ qua lại bến dò xưa, có thẩn thờ nhìn con sông Hồ Xá vắng lặng chiều mưa để tìm dáng con đò côi cút ... Có hay không, Khảm ơi !



l



Chiếc xe con màu đen đỗ lại trước cánh cổng có cây vú sữa choàng kín cành ra cả mặt đường. Linh nhanh hơn mẹ. Cô mở cổng rồi bước thoăn thoắt vào thềm mở khoá cửa. Trong lúc Li uể oải ngồi xuống chiếc ghế gỗ giữa phòng khách, tay nhấc ấm nước lọc chắt vào chiếc cốc thuỷ tinh, thì Linh đã rảo bước khắp gian nhà, dọn mảnh khăn giữa giường, nhặt cái chổi ở góc cửa sổ, cầm một mảnh khăn lau phẩy phẩy bụi trên mặt gương tủ áo quần... Cô vừa làm vừa càu nhàu : " Đã bảo thuê một đứa trẻ nào đó nó giúp việc cho, không chịu...Có ai bắt mạ bỏ lương hưu ra trả đâu mà sợ. ..." Li đã quá quen cách nói lầu bầu của nó nên cũng không còn thấy bực mình. Dẫu sao cũng chỉ còn có nó là biết lo cho chị.

Nhoang nhoáng một lúc, Linh đã quay ra :

- Thôi, con phải trở ra. Chiều ni người ta đặt tiệc lớn, không biết chúng nó lo liệu thế nào. . .

- Ừ, con cứ theo việc của con. . . .

Đó là những câu chào thông dụng của họ. Linh ra xe. Chiếc xe nổ máy và chuyển bánh êm dịu. Li vẫn ngồi lặng thinh trên ghế gỗ. Lòng chị mơ hồ một nỗi nhớ. . .

Không biết có nên oán Lương trong chuyện biết đẻ mà không biết nuôi không ? Giá như ngày đó, Lương không để con Linh lại cho Li rồi bươn chãi trở ra Vĩnh Linh tìm người tình cũ, thì liệu giờ này chị còn có nó không ? Rồi giá như cái lần sau đó bốn năm, khi chị mang con vượt tuyến ra đất bắc để trả lại cho mẹ nó, giá như lần đó mà Lương và Khảm nhận lại con, nuôi nấng lấy nó, thì giờ chị còn được nghe nó càu nhàu đầy thương cảm thế không ? Hồi đó, chị giận Lương lắm. Chị coi thứ người như Lương là loại người vô hậu, vô lương tâm, lúc nào cũng cương cương lên với danh giá, danh dự mà dứt ruột bỏ rơi con. Đã có lúc chị chưởi thẳng : Đã muốn có danh giá, danh dự sao còn để cho đàn ông đút vào. Danh giá cũng muốn và sung sướng cũng muốn thì là thứ người gì !

Nhưng mà, giá như Lương tốt hơn, dám hy sinh, chịu đựng tổn thất danh tiếng để nhận lại con thì liệu chị có trao Linh cho Lương không ? . . . Dạo ấy sao mình ngu thế, lại vác con ra tận ngoài kia sông Bến Hải để suýt nữa mất Linh mãi mãi.

Thực ra không phải chị ngu. Lúc đó không thể không vượt tuyến. Chính cái lão già khốn nạn đó đã ép chị phải liều mạng sang sông. Cái thằng cha mặt choắt ấy, sáng nay nhìn nó nhăn nhúm trước mặt Hội đồng xét xử, xoen xoét cái mồm : Tôi vốn là người lương thiện. Nó mà lương thiện thì cả cái xã hội này thành Phật, thành tiên hết. Nếu như được đứng lên nói trước phiên toà, chị sẽ chỉ thẳng vào mặt hắn : Chính ông đã ép tôi, chính ông đã hại cả em ruột ông. Ông Đọt đó, đang đứng cúi gằm sau lưng ông đó. Tôi không biết trong vụ mồ mả này Đọt có bị oan không, còn từ trước tới nay, ông ấy đã quá nhiều oan khuất. Mà tất cả là do lão này, cái lão tự xưng làm anh mà lại bán cả em mình để sống !. . . .Hắn, cái mặt hắn, cái dáng người, dáng đi của hắn. Kể cả cái giọng nói xoen xoét của hắn, chẳng có cái nét gì giống Đọt cả. Nếu không phải là người làng Phước Tuyền, cam đoan rằng không ai tin hai con người ấy là anh em. Có lẽ, chỉ có một điều duy nhất họ giống nhau, đó là cả hai đều thầm theo đuổi Li, mê mẩn vì Li.

Nhưng Đọt là người thiệt thà, cục cằn, cử chỉ có phần thô tháp. Ưu điểm cơ bản của Đọt là tự biết thân, biết phận, không bao giờ dám nhìn thẳng vào Li. Nhất là sau cái vụ cá cược động trời ấy thì anh càng trốn biệt. Đôi lần ngồi một mình chăn bò ở mép sông, Đọt cố dấu người sau những lùm bụi, đưa mắt tìm kiếm dáng hình của Li trong thấp thoáng xa vời phía bãi ngô xanh mướt, nơi có năm bảy cô gái lom khom làm cỏ ngô. Nếu có lúc nào đó quá táo tợn, không dấu nổi sự thèm muốn của mình thì đêm đến Đọt cũng dám liều mạng lò mò đến bờ rào trước nhà Li, nín thở, chúi rúc như thằng ăn trộm để căng mắt nhìn vào. Vô phúc con chó đánh hơi được, cất tiếng sủa, là Đọt co giò chạy thục mạng. . . .

Còn Rệ thì khác. Hắn có cặp mắt ti hí nhưng sáng quắc, đặc biệt là nụ cười, một kiểu cười lúc nào cũng nhõng nhoẹt. Ở trong làng Phước Tuyền cũng như khắp các làng lân cận, hắn không có bạn. Không có một đứa nào thật sự thân thiết với hắn. Nhưng lạ lùng ở chỗ, lúc nào cần, hắn cũng có thể tập hợp được dăm bảy đứa. Lạ lùng hơn là hầu như đám con trai mấy làng này rất nghe lời hắn, hắn xui bẩy chuyện gì cũng được nhiều đứa hùa theo. Cặp mắt ti hí của hắn rõ ràng chẳng đẹp chút nào, nhưng mỗi lần hắn nhìn Li thì thật đáng sợ. Li là đứa con gái ngang ngạnh, lại thêm có đứa bạn là Lương cũng dữ dằn không kém. Con trai cả vùng này vừa thèm thuồng họ lại vừa ngán ngẩm họ. Không ai dám bỡn cợt. Thế mà Li lại sờ sợ cái ánh mắt của Rệ.

Có vẻ như Rệ đã đoán ra được tâm trạng của Li, anh ta thừa khôn ngoan để không xáp lại quá gần, không dồn người con gái táo tợn này vào thế phải chống trả. Chỉ thỉnh thoảng, hắn ném một cái nhìn chéo mắt, cái nhìn hàm chứa sự đe doạ. . . .

Cho đến khi Lương đi khỏi làng, Li bỗng trở nên cô độc. Đấy là thời điểm thích hợp để Rệ tính toán. Bắt đầu thưòng bằng những cử chỉ có vẻ vô tình :

- Này o, tôi nhặt được ngoài bãi ngô cái này, có phải của o không ?

Hắn chìa ra trước mặt Li chiếc kẹp tóc ba lá bằng thép sáng loáng. Vào thời đó, chiếc kẹp tóc ba lá được coi là sang trọng nhất, hiếm hoi nhất. Cả làng này không một đứa con gái nào sắm nổi. Nhét chiếc kẹp tóc vào tay Li, Rệ quay người giả vờ đi ngay :

- Này này... không phải của tui.... tui làm chi mà sắm nổi kẹp tóc này...

Hắn vừa đi vừa khẽ quay đầu lại, nụ cười tinh quái hé ra trên môi :

- O mà không sắm nổi thì còn ai dám sắm .

- Này này, anh nói vậy là nói tui giàu có lắm hí ?

Hắn lại toét miệng cười.

- Tui có nói o giàu đâu. Tui nói o đẹp. Cả làng này ngoài o ra, ai dám đặt cái kẹp ấy lên đầu. . .

Hắn đi thẳng. Còn Li thì đứng đực người. Thú thực cô rất thích chiếc kẹp tóc ba lá. Nhưng cô còn thích hơn cái câu nói nịnh đó. Biết chắc là nói nịnh, cái giọng ấy là giọng tán tỉnh, phỉnh phờ, cả cái kẹp này nữa, làm chi có của nhặt được, chắc chắn hắn đã bỏ tiền ra mua mồi để câu cá . . . Biết chắc vậy mà vẫn cứ ưa.

Những cuộc gặp gỡ " vô tình " kiểu ấy ngày một nhiều hơn, ngày một dày hơn với rất nhiều lý do khác nhau... Càng ngày Li càng cảm nhận mối hiểm hoạ đến gần ... Cũng có lúc cô muốn bứt ra, bỏ chạy. Nhưng bản tính của Li không phải như vậy. Vừa chán ghét, khó chịu, thậm chí có lúc khinh bỉ nữa, nhưng Li lại không thể sống thiếu sự dòm ngó của ai đó vào cơ thể mình. Có dạo không hiểu vì lý do gì, ba bốn ngày liền không nhìn thấy cái mặt dài thuỗn ấy. Li không chịu được, chủ động tìm đến gây sự.

Cả hai anh em nhà Đọt đang cuốc phân chuồng. Đây là một công việc nặng nhọc nhưng không thể trốn tránh được . Đàn bò nhà Đọt hơn mười con, được chăn dắt tốt nhất làng. Chuồng bò cũng to nhất. Nhà người ta phải vài tháng mới lấy phân một lần, nhà Đọt mười lăm ngày là phải đảo. Cây lá đủ loại được vằm nhỏ chất đống ở bên ngoài. Người ở đây gọi thứ ấy là bổi. Sau đó, người ta cuốc và kéo phân ra, đảo lá bổi vào. Rồi phân lại được tấp thành đống, ủ kín lại bằng đất bùn. Có thể nói, nguồn lợi sống của tất cả dân vùng này chính là đống phân bò ấy. Nhà nào khá giả, nhà nào nghèo hèn, cứ nhìn vào đống phân là biết.

- Chà chà, chào hai lực điền.. dẫm cứt sướng hí ?

Cả hai đang dẫm chân trong chuồng phân, nghe tiếng Li đều giật mình luống cuống. Đọt lúng túng hơn. Cái đầu cứ cúi thấp xuống mặc dầu mùi phân đang xông lên nồng nặc. Còn Rệ thì toét miệng cười. Cái cười của hắn đôi khi thật sự vô nghĩa.

- Cứt nhiều nhỉ . Mùa này hai anh dư dật cái ăn ....

Chỉ có loại đàn bà như Li mới dám xổng ra câu đó. Rệ vẫn nham nhở cười, nhưng trong bụng lại rất căm.

- O khen quá lời. Nói thiệt nuôi bò dù gắng đến mấy cũng chẳng bằng nuôi lợn. Mười con bò nhà này chẳng đổi được con lợn nhà o...

- Hả? Tui nuôi lợn hồi nào?

- Ủa...Rệ giả bộ ngạc nhiên nhìn Li chớp chớp mắt. Rứa nhà o không nuôi lợn thiệt à, răng thỉnh thoảng tui lại thấy có con lợn nái trắng hễu nằm vật giữa nhà....

Nói xong câu ấy, hắn tự thưởng cho mình một tràng cười. Hắn cố rặn ra mà cười, nghe ạch ạch như kẻ bị bệnh tiêu chảy.

Phải thừa nhận là thằng anh thông minh hơn thằng em. Chỉ có Rệ mới đủ tinh quái và cũng đủ ác độc để đối khẩu được với Li. Đọt vẫn cúi gầm mặt, thoảng hoặc lắm mới lén lút liếc trộm cô gái. Trong bụng nó rất căm thằng anh, nhưng cũng thầm oán trách Li nữa. Cô ấy đẹp thế, sao mồm mép cũng độc địa vậy....

Những chuyện như vậy đã xưa lắm rồi. Đáng ra tất cả, dù chuyện xấu hay chuyện tốt của cái thời thơ dại ấy giờ đây chỉ là những kỷ niệm. Kỷ niệm để mà nhớ, mà thương lấy nhau, thương một thời.

Nhưng sự đời lại không như thế! Thằng Rệ càng ngày càng quá quắt. Càng ngày Li càng không sao đọc được tâm can của hắn. Ngày Lương trốn khỏi nhà Phúc Phan Xá, mang cái bụng chửa vào ở nhờ nhà Li, thì chính thằng Rệ, với đôi mắt le lé đó đã phát hiện ra cái bụng trước. Nó cứ nhìn chằm chằm vào phần dưới của Lương mà cười. Quá khó chịu, Li phải cau mắt. " Nhìn cái chi, đui con tròng đó ! " Nó nháy mắt một cái rồi huýt sáo. Chính nó là đứa thậm thụt tung ra cái tin : Giống ấy là giống du kích đấy ! Rệ tưởng bắn tin như vậy thì mấy ông chức sắc của xã sẽ cho bắt ngay Lương. Ai dè, các vị chức sắc lại còn khôn hơn cả nó. Thời thế du kích đang mạnh, các vị đã khéo léo làm thân với Lương. Cái mặt nó nhìn thì tưởng mỏng lại hoá ra dày. Khi đứa con của Lương vừa mới chào đời thì cả vùng này náo động lên vì cuộc chiến Nam Đông. Một trận đại bại của người Pháp. Thanh thế vệ quốc đoàn và du kích nổi lên như cồn. Du kích dám vác súng đi về Phước Tuyền ban ngày. Các vị chức sắc của xã, của thôn co rúm lại , gặp du kích ngã mũ chào, gặp Lương, thậm chí cả Li nữa cũng nhoẽn cười như họ hàng thân thích. Thế là, đột nhiên, Rệ trở thành thanh niên hăng hái nhất thôn, đi đâu cũng bô bô bài vè chiến thắng Nam Đông. Hắn lại thầm thì tiết lộ, rằng đã được vào mặt trận Liên Việt. Tất nhiên cả làng chả ai tin hắn. Không tin nhưng cũng có phần nể sợ ....

Sau chiến trận Nam Đông , lại rộ lên cái tin bộ đội địa phương Vĩnh Linh đại thắng một trận lớn ở đồn Mỹ Tá. Tin này đặc biệt đã làm cho Lương xốn xang. Đồn Mỹ Tá ở rất gần nhà Phúc Phan Xá ! Rất nhiều đêm Lương không ngủ, vác mặt nhìn ra phương bắc. Li hiểu rất rõ bạn đang nhớ ai. Nhưng lúc này, đứa con của Lương mới hai tháng tuổi.

Những ngày tháng ấy, cuộc sống của cả vùng đất này thật sự chộn rộn, xao xác. Chính cái không khí ấy đã làm phân tâm những tên dê đực như Rệ. Hắn cũng không đủ bình tĩnh để sắp đặt mưu mẹo đối với Li. Mà cũng không dám nữa .. Lương và Li nhờ vậy mà không gặp trắc trở gì cho tới giữa năm 1953.

Khi đó, con Linh đã được tám tháng tuổi. Một buổi tối, khi hai người mẹ, Lương và Li cùng ngồi chồm hỗm trên hai góc giường, vẫy tay, đùa nghịch cho bé Linh bò lỗm ngỗm từ mẹ này sang mẹ khác, thì bất ngờ Rệ đến. Hắn xông thẳng từ ngoài ngõ vào sân rồi lên nhà. Rồi hắn vỗ tay hoan hô đứa bé. Cả Lương và Li đều giật mình, vừa ngẩng lên, vừa tỏ vẻ khó chịu. Nhưng hắn làm bộ không thèm để ý. Ngồi lẹ xuống mép giường một cách đầy tự tin, rồi cất giọng với một vẻ bí mật đặc biệt. Hắn đang cố chứng minh là người quan trọng của Liên Việt.

- Có chuyện này tui nói cho hai o biết...Hắn ngừng một tý cho thêm phần bí hiểm - Cha Cựu bị bắt rồi.!

- Cái chi ... Cha Cựu làm sao ? Lương tròn mắt nhìn hắn.

- Bị bắt, bị xử cùng với hai cha cố người Tây nữa ...

- Nhưng ai bắt, ai xử ?

- Thì Việt Minh chứ còn ai ...

- Xử làm sao ? Giết à ?

Hắn thở ra một cái nhẹ nhõm như thể chính hắn đã trải qua sự vụ.

- May mà không bị giết ...

Lương càng sốt ruột.

- Thì là làm sao ?

- Tha. Cho lên thuyền trao vào cho tổng giám mục.

Cả Lương và Li nhìn nhau. Họ tự hỏi có nên tin vào câu chuyện li kỳ ấy không ? Li hỏi :

- Nì, anh dám dựng ra cả cái chuyện tày đình như thế hả ?

- Cái chi ? Tui dựng chuyện ? Tui là tui được phép của tổ chức thông báo cho o Lương ...

- Tổ chức nào ? Li lại vặn.

- Xì, tổ chức nào không liên quan đến o.

- Nhưng mà tui hỏi anh ...mắc mớ chi Việt Minh mà lại đi bắt mấy ông cha cố ?

Rệ cười khẩy :

- O thì biết cái gì.

Lương tỏ ra điềm đạm hơn :

- Tui hỏi thiệt, anh lấy tin ở đâu ?

- Nì, o không được hỏi vậy. Tin của tổ chức. Tui chỉ có trách nhiệm nói lại cho o thôi.

- Thôi được rồi ..Nhưng theo tôi được biết, Việt Minh không đánh vào nhà tu. Hai nữa, đánh vào được khu nhà dòng ấy không phải chuyện dễ.

Rệ gật mạnh đầu một cái, hắn làm ra vẻ cũng đã từng đến Phước Sơn, hiểu rất rõ nơi ấy.

- Đúng thế .Không dễ chút nào. Người ta đã bắt được quả tang hành động phản quốc của cha Cựu. Lão ta đã viết thư cho một quan sáu Pháp yêu cầu đỗ quân lên chiến khu Thuỷ Ba, đội quân trong nhà dòng có sẵn vũ khí đạn dược sẽ tiếp ứng. Bằng chứng rành rành, cấm cãi.

- Nhưng mà làm sao lấy được tin đó ? Li đã bị Rệ chinh phục

- Ồ, đó là một kỳ tích ... Nghe nói có một nữ tình báo cài cắm lâu ngày vào trong đó . .. ui chà, chuyện đó ly kỳ lắm, phải kể hết đêm.

Lương rất muốn phì cười, tuy nhiên cô vẫn làm ra vẻ thờ ơ :

- Thế còn ... đánh vào bằng cách nào ?

- Quan trọng chính là chỗ đó. Lực lượng chủ yếu chính là dân giáo trong vùng ?

- Cái gì ? Li nhăn mũi- dân giáo lại nổi dậy chống cha ư ?

- Cha cái gì ...Lão ta mà đáng mặt làm cha ư ?

-Lạy chúa ! Anh Rệ nói chi lạ vậy .Lương sa sầm mặt lại.

- Thôi đi, o đừng giả vờ nữa. Tui đoán chuyện này o cũng có thể biết. Cha lòng thòng một lúc với hai cô con gái của một lão nông theo đạo. Rồi một cô có chửa, cố dấu mà không được. Đến khi đẻ, lại xúi cô ta đem con vứt ra sau rú. Dân làm nương bắt gặp ..Thế là vỡ chuyện .. Đúng là hoạ vô đơn chí . ..

Li cứ xuýt xoa :

- Trời ơi là trời, có thiệt không đó .. ui cha ơi là cha ....

Còn Lương thì ngồi lặng .Loại trừ đi những chi tiết màu mè có thể do Rệ bịa ra, nhưng chắc chắn chuyện ấy là có. Hậu quả chắc chắn đã xẩy ra.. Có một nỗi đau âm thầm nhói lên trong tim, lại pha lẫn chút căm hận, oán trách, thậm chí hình như có đôi chút hả hê nữa ...

Nhưng không. Có lẽ trên tất cả mọi cảm xúc ấy là một nỗi buồn. Nỗi buồn âm u, sâu thẳm ...

Không hiểu mục đích của Rệ hôm đó là gì . Có thể chỉ là thứ buôn chuyện kiếm cớ để làm thân với hai người đẹp. Cũng có thể hắn đã ngầm khẳng định Lương là du kích Việt Minh nên dùng chuyện thử người. Hay hắn lại nghi Lương có quan hệ kiểu ấy với cha Cựu ?

Mặc kệ thằng mặt choắt ấy. Suốt một tuần sau đó, Lương như kẻ mất hồn. Nỗi buồn xen với nỗi vui, thật khó khăn mà phân xử trong lòng. Rồi bất ngờ, hình bóng Khảm cuộn lên. Trận đại chiến ấy có công của Khảm. Không chừng bây giờ anh ấy đã trở thành chỉ huy. Phải rồi, xong nhiệm vụ hẳn anh sẽ đàng hoàng hiện rõ là một cán bộ, đi đâu cùng được người ta khen ngợi..Anh có còn nhớ đến em không ? Trong chiến công ấy, có phải em cũng đã góp phần ?

Mười ngày sau, thật bất ngờ, Lương đã ném con lại cho Li, nói là chỉ đi độ vài ba ngày rồi về. Li can gián mãi không được. Thú thật lúc đó, Li không bao giờ dám cá cược rằng một người mẹ như Lương lại dứt tình với con.





l



Li ơi , tao lạy mi, đừng nghĩ cay độc về tao như thế. Con Lương này có thể có trăm ngàn thứ xấu, nhưng tao thề có Chúa, tao đâu đến mức tệ bạc hơn cả thú vật mà dứt ruột bỏ con. Thực lòng hôm đó, tao chỉ định bụng trở lại Vĩnh Sơn để thấy tận mắt những gì xẩy ra. Để làm gì ư, thật sự tao không biết nữa. Nhưng mà, cái nơi đó, dầu sao cũng gắn bó một phần đời của tao, niềm tin, ước mơ, sự cay cực và cả những đam mê không sao cưỡng được. Rồi bất hạnh, tan nát, rồi nhen nhóm tình yêu, lại chơi vơi không bờ không bến.. Nơi đó, theo như lời Rệ kể thì rõ ràng đã xẩy một trận động đất, một ngày phán xử cuối cùng như Chúa từng cảnh báo. Sau tất cả mọi điều, tao muốn biết mọi sự sẽ ra sao .. Cho nên tao nói tao đi, mi biết tính tao rồi mà, nói đi là đi, làm sao bảo tao đừng đi được. Nhưng tao đi vài bữa rồi sẽ quay lại. tao nói như thế là sẽ như thế. Tao có phải loại súc sinh đâu mà đành đoạn bỏ con .. .

Nhưng mà Li ơi, cuộc đời này có khi nào chiều theo ý tao đâu. Tao nói vài ngày quay lại nhưng rồi không quay lại được. Trăm sự không phải do tao..

.. . Đúng như tao dự đoán, Khảm lúc này đã là xã đội trưởng. Anh đi lại đàng hoàng, nói năng chững chạc, giọng nói có vẻ to hơn, cố rống lên, không còn khẽ khàng như thuở còn làm vai thầy bói.

Gặp tao, Khảm ngớ người. Mắt anh như khóc. Tao lao sầm đến. Tao là đứa liều mà. Nhưng Khảm lại không phải người liều, Khảm chặn tao lại, khẽ đưa mắt liếc nhanh qua hai bên, rồi rất khẽ, anh nói với tao :

- Lương ơi, anh mừng quá ..Nhưng chừ quá bận, chưa nói chuyện được. Chiều ni nghe.. .Nì, ra lại chỗ bến đò ấy.. .

-Tao như kẻ bước hụt, mặt ngu ra ... Tao linh cảm có lẽ trời sẽ sập thêm cú nữa. Nhìn dáng Khảm đi, nhanh như chạy, chiếc xắc cốt đập đập bên hông, tay chỉ bên này, chỉ bên kia, miệng oang oang ban phát mệnh lệnh, tao thầm kêu lên : Ai đó ? Là Khảm đó ư ?

Chiều đó, cũng vào cái tầm hoàng hôn như lần gặp năm trước, tao lò dò ra lại bến đò xưa, vừa đi vừa thấp thỏm lo sợ. Tao sợ Khảm sẽ tránh mặt không đến. Nếu vậy có lẽ tao chỉ còn biết nhảy xuống sông mà chết vì đau và vì nhục nữa.

Nhưng sự thể đã không đến mức ấy. Khảm đến trước cả tao. Anh đứng đợi bên bến đò với dáng vẻ bất yên như một tên kẻ trộm. Vừa nhìn thấy tao, anh đã vẩy tay làm hiệu hệt như hồi còn hoạt động bí mật. Tao câm lặng theo anh lên đò qua bên kia. Anh nhảy lên trước, cúi đầu đi như chạy trốn. Tao nhẫn nhục theo sau. Khi không còn bóng người nào trên bờ và con đò ngang cũng đã quay mũi, anh vụt lách người biến vào trong ngôi miếu cổ. Tao chạy vào theo. Anh nhoài ra lôi tay tao vào, rồi cuống cuồng ôm lấy tao, hôn hít, cào cấu, sờ soạng. Nhưng Li ơi, tao đã không một chút cảm xúc nào, thậm chí còn thấy nghẹt thở và đau buốt ở ngực. Ngực tao đau vì hai bầu vú đang căng sữa mà lại bị ngực Khảm ép chặt. Tao cố đẩy anh ra, nhưng anh không chịu. Hai vòng tay như hai cọng kìm siết chặt. Rồi trong một phút vô ý, anh quật ngã tao ra sàn nhà. Cả người tao mất hết ý chí.. . Tao nhắm mắt, câm lặng và buông xuôi. Tự anh ấy làm tất cả các động tác, vần vũ, mây mưa, rồi anh thở dốc như kẻ chết ngạt được vớt lên. Còn tao cứ nằm phơi thân như một xác mắm. Tao không phân biệt được cơn giông tố trên người đã kết thúc lúc nào. Tao không thèm kéo quân lên, không thèm làm bất cứ động tác thu dọn gì hết. Tao phó mặc cho đời.

Rồi thì, sau đó một hồi lâu, cả hai đều bình tĩnh lại. Tao vẫn nằm ngửa và quyết định kể cho anh về đứa con. Sở dĩ tao phải kể chuyện ấy vì phải giải thích những giọt sữa đang tóe ra giữa bộ ngực và cũng là giải thích lý do tao bỏ trốn.

Tao thì nằm, còn anh ấy lại ngồi. Tao không nhìn thẳng vào mắt Khảm nên không nhận biết được cảm xúc thật sự của anh ấy. Khảm vui hay buồn khi biết được mình đã có con ? Chỉ thấy mấy ngón tay áp lên bụng tao run run.. .

- Này..anh có vui không ?

- Có chứ... sao lại không .

- Thật chứ ?

- Sao lại không.. .

- Thế...anh có quyết định lấy em không ? Khảm hơi giật mình, nhưng ngay lập tức anh đã trấn tĩnh được

- Sao lại không.. .

- Thật chứ.. .

- Kìa em.. Nhưng mà anh nói đã này. Anh sẽ lấy em. Trời có sập xuống cũng không chia lìa được chúng mình.. .

- Ôi..Tao sung sướng quá, kéo dặc mạnh cánh tay anh. Khảm đổ nghiêng người lên người tao và hôn nhẹ một cái lên bầu vú.

- Nhưng mà này.. từ giờ phút này em phải nghe lời anh. Mọi thứ phải theo sự sắp xếp của anh. Nhớ chưa ?

- Nhớ rồi. Nhưng mà sắp xếp cái chi ?

Khảm ngồi thẳng dậy. Anh bắt đầu kể cho tao nghe tình hình nhà dòng sau khi cha Cựu bị bắt. Nội tình câu chuyện cũng gần giống như lời Rệ kể. Thằng cha mặt choắt ấy thế mà tài.

- Tội ác phản động, bán nước của cha Cựu là rõ ràng. Hắn cũng đã cúi đầu nhận tội. Một tội ác như vậy nếu là với một tên tề nguỵ khác thì đã bị chặt đầu. Nhưng Việt Minh muốn nhà thờ hiểu rằng cách mạng không phải đánh vào tôn giáo, vì vậy hắn cùng với hai tên cố đạo người Tây khác đều được tha, chỉ bị trục xuất trả lại cho Toà Tổng giám mục. Việt Minh còn cho hẳn một chiếc đò chở họ vô nam. Còn các cha, các thầy khác vẫn ở đó. Việt Minh yêu cầu nhà dòng phải chia lại ruộng đất cho dân đạo trong vùng để họ có điều kiện làm ăn.. . Nói chung, mọi thứ đang được sắp xếp ổn thoả.

- Tóm lại, riêng với em, anh sắp xếp thế nào nào ?.. .

- À, sáng mai em cần đến gặp một người.

Tao hơi hoảng, hỏi vội :

- Ai ?

-Thượng cấp của anh .

- Há.. .sao em phải gặp thượng cấp ? à, là để thưa chuyện về chúng mình phải không:

- Không phải đâu- Khảm có vẻ hơi cuống- Chưa thưa chuyện lúc này được đâu.

- Sao thế ?

Khảm khẽ thở nhẹ một cái, đôi lông mày hơi nhíu lại:

- Mọi việc chưa ổn đâu em ạ. Nói là nói vậy, chứ dân đạo vẫn còn bàng hoàng về chuyện động trời mới xẩy ra. Trước mắt bàn dân thiên hạ lúc này, anh với em vẫn thờ hai lý tưởng.. .

Tao ngồi vọt dậy:- Em bỏ. Em chẳng còn nuối tiếc gì nữa.. .Anh không tin em à ! Em bỏ đạo từ cái ngày trốn khỏi nhà Phúc ấy kia.. .

- Anh biết rồi. Anh mà không tin em thì còn ai tin em nữa. Nhưng mà.. .Liệu dân cả vùng này, chính quyền, du kích có dễ dàng tin như vậy không ?

- Thế thì.. . em gặp ông ấy để làm gì ?
Khảm bỗng trở nên hào hứng, rành rọt .

- Chiều nay, anh đã có báo cáo với thượng cấp chuyện của em.. .Không không, không phải chuyện hai chúng mình nọ kia đâu. Là anh nói thế này. Có một cơ sở quan trọng của tôi trong đội ngũ các Xơ ở nhà Phúc. Cô ấy đã được tôi giác ngộ. Cô ấy tình nguyện hoạt động nội gián cho ta. Chính cô ấy đã báo cho tôi cái tin quan trọng nhất về lá thư của cha Cựu. Chiến công đầu của trận đánh này thực ra thuộc về cô ấy đấy. Thượng cấp mừng quá hỏi dồn : Rứa o ta mô ? Anh đáp, sau khi báo tin, cô ta sợ lộ phải bí mạt rút đi khỏi vùng này. Chừ chiến dịch đã thành công, cô ta tìm về gặp tôi. Thượng cấp lập tức ra lệnh: Mời o nớ đến đây ngay.. .

Ngừng một tý, Khảm hạ giọng kết luận :

- Sáng mai em đến là chuyện mừng. Cách mạng sẽ ghi công em. Chỉ có điều em phải nói giống như anh nói. Đừng nói chuyện sinh nở đẻ đái gì cả.

- Nhưng như thế để làm gi ? Em có cần ai khen ngợi ghi công gì đâu.

- Khổ quá ! Anh cũng đâu có cần họ khen ngợi. Cái anh cần là cách mạng xác nhận em là người của cách mạng. Anh với em có cùng một lý tưởng .. . Em có cần chuyện đó không ?
Bây giờ thì tao đã hiểu rõ ý đồ của anh ấy. Thực lòng tao rất ghét chuyện này. Nhưng đúng là chỉ còn có cách ấy tao với Khảm mới có thể đàng hoàng ở bên nhau. Tao làm vậy cũng chỉ vì con, mày có hiểu tao không, Li ơi !.. .


l

Con ơi, sự đời không ai lường nổi một chữ ngờ. Mẹ đã nặng tội với con. Mẹ không mong con tha thứ, chỉ ước ao một điều là con đọc được những dòng này, hiểu thấu cho tình cảnh của mẹ .

Sáng đó, cái ông thượng cấp tiếp mẹ là một con người to cao, phốp pháp, hai bàn tay to bè, hai mắt lồi ra như hai con ốc nhồi, giọng nói oang oang. Về sau mẹ mới biết đó là Huyện đội trưởng.

- Chào o.. . Chà, o không những can đảm, giỏi dang mà còn xinh đẹp nữa. Tui chưa thấy ai đẹp như o, phải rứa không các đồng chí !.

" Các đồng chí " mà ông vừa hỏi là mấy chàng thanh niên ngồi cạnh, tay cầm những cuốn vở ghi ghi chép chép.. .
Mẹ thấy ngượng quá, cúi đầu ngồi xuống, không dám nhìn một ai.

Ông lại oang oang hỏi :

- O tên chi ?

- Dạ Lương.. .

- O người ở mô ?

- Dạ cháu.. .dạ em.. . ở trong Cam Lộ.

- Cam Lộ..Tui ở Cam Lộ hoài mà. O ở thôn mô, làng mô.. .

- Dạ em ở làng Quách Xá, thôn Quai Mọ.

- Ui chao ui..Làng nớ là làng du kích. Một làng cách mạng có nòi đó. Tui ăn dầm nằm dề ở đó mà. Nì, hỏi thiệt, o con ai đó ?

- Dạ.. . con ông Triết.. .

Ông thượng cấp sững ra, hai con ốc nhồi chớp chớp, mép miệng nhấp nháy.. .

- Trời đất ơi.. .thì ra con ông Triết.. .

- Chú.. . à, anh biết ba em ư ?

- Ui cha, ông ấy là cơ sở tin cậy của tui mà. Mà này, nghe nói.. . bác đã.. .

- Dạ phải. Cả ba , cả mẹ em đều đã mất.

- Khổ ơi là khổ.. . Kêu lên một tiếng như vậy rồi ông đứng bật dậy,vòng qua chiếc bàn đến bên mẹ. Bàn tay hộ pháp của ông xoa xoa lên tóc mẹ. Lúc đó, thật lòng, mẹ thấy quý ông ta, muốn đổi cách xưng hô bằng chú cho thật phải phép. Nhưng ông đã nhanh hơn mẹ.

- Rứa coi như anh biết rõ em rồi đó. Em là con nhà nòi cách mạng. Phải xứng đáng với gia đình em ạ.. .

- Dạ.. .

- Này, rứa ai đưa em vào hoạt động trong nhà Phúc ? Mẹ ngớ người. Câu hỏi này quá bất ngờ, mẹ chưa kịp chuẩn bị nên đâm ra lúng túng:

- Dạ cái đó.. .cái đó thì.. .

Đột nhiên ông cười xoà :

- Chà, mình hỏi sai nguyên tắc phải không ? Nhưng o cứ yên tâm. Trong nớ, ngoài ni là một thôi. Không sợ lộ bí mật đâu.

May quá, chính ông đã vạch đường, mách lối cho mẹ. Mẹ nhanh trí đảo mắt nhìn mấy chàng trợ lý trẻ. Ông thượng cấp biết ý cười xoà.

- Thôi, khỏi phải trả lời câu đó. Dù sao cũng phải giữ nguyên tắc chứ, đúng không nào..Thế này nhé, cái vỏ bọc của em là rất tốt. Em phải tiếp tục...

- Tiếp tục ?

- Phải. Nhưng mà trước mắt, huyện cho em đi dự một lớp tập huấn ngắn ngày.. . Phải học về chủ trương đường lối cách mạng, phải hiểu phương pháp dân vận, địch vận, phải nắm vững thời cơ, giai đoạn từ cầm cự lên phản công... Nói tóm lại, phải học cho biết. Hơn nữa, cũng tranh thủ mà bôì dưỡng chút sức cho thiệt khoẻ. Này, đồng chí Công, dẫn o Lương lên khu tập huấn ngay đi, sáng nay người ta khai mạc rồi đó.. .

Mẹ cuống lên:

- Nhưng mà thưa anh.. .

Ông khoát tay.

- Không cần về. Bên ban dân vận họ sẽ tặng o mấy bộ quần áo. Chăn màn thì đã có sẵn ở trên đó.. . Người ta đã học mất một buổi rồi: Thế nhé. Rồi anh em mình còn gặp nhau nhiều. Ui chao, anh với bác Triết thiệt còn hơn cả ruột thịt.. .

Nói nhanh, rồi khoát tay nhanh, lại cũng bước đi nhanh. Con ơi, lúc ấy mẹ đứng như chết lặng. Mẹ chỉ muốn oà lên khóc mà không sao khóc được.

Cái lớp học ấy được tổ chức trong một mái lán lợp tranh, nền đào sâu xuống đất chừng 80 phân. Người ta bảo làm như thế để tránh đạn ca- nông, moóc- chê của Pháp. Lớp có ba bốn chục người già có trẻ có. Ai cũng kêu khó. Một là quá ít người biết chữ nên không ghi chép được. Hai là không sao học thuộc lòng được những đoạn dài dòng, trục trắc như : làm cách mệnh thì phải đồng lòng, quân với dân như cá với nước, bầu ơi thương lây bí cùng.. . Cứ ba ngày, người ta lại kiểm tra một bài. Không một ai trả lời được. Không trả lời được thì chỉ có cười. Thầy cười trò cười. Có lẽ họ đến đây để gặp nhau, để vui vẻ, bô bô chuyện trò là chủ yếu. Chỉ có tập bài hát là mau thuộc. Ai cũng thích hát. Nhất là các cô gái trẻ, ngày tập, đêm hát cả trong mơ.

Có lẽ cả lớp chỉ duy nhất mẹ là thuộc bài. Bài nào mẹ cũng thuộc. Thực tình mẹ chẳng có chút hứng thú gì. Mẹ cũng chẳng hiểu những câu những chữ ấy có ý nghĩa thế nào. Mẹ học thuộc được chỉ vì hai lẽ . Một là cố trả được bài để nhanh chóng thoát ra khỏi đây, trở về với con, với mẹ Li. Hai là, có lẽ tư chất mẹ thông minh, với lại cũng đã quen học thuộc kinh thánh. Kinh thánh khó hiểu hơn nhiều mà mẹ vẫn học thuộc được, huống chi mấy bài này.

Thế rồi mẹ được biểu dương. Rồi cả lớp nhìn mẹ ngưỡng mộ, tấm tắc. Thú thực lúc ấy mẹ cũng thấy có chút tự hào, mặt mẹ cũng vênh vênh lên tí chút. Tuy nhiên, mẹ thề rằng, không vì thế mà mẹ muốn ở lại chiến khu. Cứ trông ngày, trông đêm cho xong lớp để trở về. Mẹ tự sắp xếp một cuộc trốn chạy như ngày trước trốn khỏi nhà Phúc. Hôm nào kết thúc lớp, khi về đến giữa cánh đồng mẹ sẽ không rẽ lên Phước Sơn, mà tắt đường qua chợ huyện, vào cầu Hiền Lương đi thẳng.. .

Mẹ đã tính toán rất kỹ. Phải nói là khá khôn ngoan. Nhưng con ơi, cha con còn khôn hơn mẹ, kỹ càng hơn mẹ. Mọi lỗi lầm đều ở cha con.

Chiều kết thúc lớp học, mẹ được gọi lên ở phía trên để nghe biểu dương, rồi được khen thưởng thành tích học giỏi. Người ta trao cho mẹ một cái khăn bông và một bánh xà phòng thơm. Hồi đó mà có những thứ ấy là quá sang trọng, phú quý. Tiếng vỗ tay rào rào. mẹ hơi đỏ mặt, quay đầu nhìn xuống mọi người để tỏ lòng biết ơn. Mẹ nhìn hết cả lớp, từ hàng trên xuống hàng dưới cùng, thì trời ơi, mẹ sững cả người. Cha con đã đứng sẵn đó ,đang nhìn mẹ mà cười, mà vỗ tay, vỗ to hơn bất kỳ ai trong lớp.. .

Thế là mẹ không trốn được, phải theo cha về. Đến giữa đồng, trời đã xế chiều, mẹ dừng lại, nhìn cha con, giọng mẹ hơi run nhưng mà cương quyết.

- Này Khảm.. .Em muốn nói với anh chuyện này.. .

- Gì thế em.. .

- Em.. . không thể theo anh về bên đó được.

Khảm hơi chột dạ :

- Có chuyện gì thế ?

- Em.. . phải về với con.

Cha con tròn mắt nhìn mẹ : - Em điên à ?

Mẹ cũng lồng lên:

- Anh điên thì có. Tại sao anh lại đẩy em vào tình thế này. Anh còn nghĩ đến con không ? Tại sao không cho em về với con ? Cha con nhăn mặt , cố nuốt một cái gì đó trong cổ :

- Tại sao anh lại không nghĩ đến con. Tại sao anh lại ngăn cản em về với con. Như thế thì anh là cái giống gì ?

- Thế thì hãy để em đi .

- Không được. Em sẽ đi, nhưng phải là dịp khác, không phải hôm nay.. .

- Dịp khác là dịp nào.. .

- Anh sẽ bố trí. Hãy tin anh. Anh muốn em đi một cách đàng hoàng, có sự phân công bố trí của tổ chức chứ không phải là kẻ " dinh tề "chạy trốn.

Mẹ quắc mắt lên. Có lẽ lúc đó trông mẹ dữ dằn lắm nên cha con hơi thụt người lại.

- Tôi chẳng cần ai bố trí. Tôi sợ chi ai mà phải chạy trốn. Tổ chức của các anh làm chi được tôi.

- Em không sợ, nhưng anh sợ. Em bỏ đi, anh sẽ ăn nói thế nào với tổ chức đây. Người ta không làm được gì em , nhưng với anh thì họ làm được. Em yên thân em, còn anh thì sẽ bị họ làm thịt. Em cam lòng như thế sao.. .

Trời ơi, lại còn thế nữa. Mẹ ngồi thụp xuống ngay trên bờ ruộng. Mẹ khóc lâu lắm, nhiều lắm. Mẹ không thể bỏ cha con được, con có hiểu thấu cho mẹ không ?

Đăng ngày 10/01/2008

Nhận xét

Chia sẻ cho bạn bè

Bài viết liên quan