Thursday, October 8, 2015

Cái chết chẳng dễ dàng gì - (Cảnh I, II)


Tác giả: Xuân Đức

Xuanduc.vn: Mấy hôm trước, nhân chuyện được giải thưởng về vở kịch " Cái chết chẳng dễ dàng gì" tôi đã có mấy lời tâm sự với bà con về cái sự bầm dập của tác phẩm này. Có mấy bạn nhắn điện thoại đến nói là, rứa thì cái chết ấy nó ra làm sao, bệnh tình gì, chết mòn mỏi hay bất đắc kì tử, sao không post lên cho bà con biết với. Nghĩ lui nghĩ tới, nhân cũng chẳng có cái gì mới để hầu chuyện nên tôi quyết định mang cái chết ra để mọi người khám nghiệm tử thi..Từ hôm nay, trang web này xin từ từ đưa lên từng cảnh để bà con chú bác phán xét.  




CÁI CHẾT CHẲNG DỄ DÀNG GÌ 
                                             kịch dài
( Cảnh I & 2 ) 
NHÂN VẬT 
- Chủ tịch Hồ Chí Minh
- Đại tướng Nguyễn Chí Thanh
- Hoàng Hữu Ngạn - Huyện đội trưởng
- Chị Quế - vợ Ngạn
- Hoàng Kiên - Con trai Ngạn và Quế - Trung đội trưởng trinh sát
- Hoài Vân - Dân quân
- Kỳ - Chiến sĩ coi kho
- Lan - Thanh niên xung phong
- Trần Oanh - Quyền Bí thư tỉnh ủy
- Cảnh Tài - Phó ban thi đua tỉnh
Thư ký của Hồ Chủ tịch
- Một số chiến sĩ    

                                                      I
                   
                     Nhà sàn Bác Hồ. Năm 1965. Trên bàn làm việc của Hồ Chủ tich có nhiều chồng báo và thư. Hồ Chủ tịch đang ngồi xem thư. Người chăm chú đọc 1 lá thư, rồi một tay cầm thư, Người quay sang tấm bản đồ lớn, ngón tay lần tìm một địa chỉ...
                    Đại tướng Nguyễn Chí Thanh xuất hiện.
Đại tướng:        Thưa Bác! Bác cho gọi tôi?...
Hồ Chủ tịch:    À, chú Thanh! Mời chú ngồi. Thế nào, đã lên đường được rồi chứ?
Đại tướng:        Thưa Bác, mọi công việc đã chuẩn bị đầy đủ, xin phép Bác sáng mai tôi cùng anh em lên đường.
Hồ Chủ tịch:    Chú đã kiểm tra lại sức khỏe chưa?
Đại tướng:        Thưa Bác có ạ. Nói chung... còn khá lắm Bác ạ.
Hồ Chủ tịch:    Mình không thích nói chung đâu. Nghe bác sĩ nói, tim mạch của chú có chuyện đó.
Đại tướng:        (Cười) Thưa Bác, tôi hứa sẽ đi tới đích ạ.
Hồ Chủ tịch:    Không phải chú cần tới đích, mà cần đọ sức với Oétmolen. Mà không phải chỉ cần thắng hắn một vài hiệp, điều chủ yếu phải xem quân Mỹ nó thế nào, đánh Mỹ ra làm sao...
Đại tướng:        Dạ... tôi xin hứa sẽ hoàn thành nhiệm vụ mà Bác và Trung ương giao phó.
Hồ Chủ tịch:    (Vẫn nói trong mạch suy nghĩ của mình) Phải tìm hiểu thật kỹ bọn Mỹ... và cũng phải tìm hiểu cả ta... Phải tìm hiểu thật kỹ đội ngũ của ta. Muốn đánh thắng Mỹ, phải có những con người dám đánh, dám hy sinh suốt đời cho sự nghiệp cách mạng, biết đoàn kệt thương yêu nhau như ruột rà...
Đại tướng:        Thưa Bác! Cả nước một lòng nghe theo Bác.
Hồ Chủ tịch:    Nhưng đó là nói chung... như kiểu của chú nói lúc nãy, đúng không? (Đại tướng Nguyễn Chí Thanh cười...)  Chú Thanh này... Đôi khi chúng mình ở cao quá. Người ở cao có cái lợi là nhìn rộng, thấy xa... Nhưng cũng có cái bất lợi là dễ qua loa đại khái, không nhìn thấy hết chân tơ kẽ tóc của sự đời...
Đại tướng:        (Ngập ngừng) Dạ... tôi hiểu ạ.
Hồ Chủ tịch:    Mọi yêu cầu to lớn trong chuyến đi này Bộ chính trị đã trao đổi kỹ với chú. Hôm nay, Bác mời chú đến đây ăn bữa cơm với Bác... và cũng muốn nhờ chú một việc riêng?
Đại tướng :      Việc riêng? Việc riêng của Bác ?
Hồ Chủ tịch:    (Cầm lá thư lúc nãy lên) Này, có phải dạo mới khởi nghĩa ở Trung trung bộ, chú có một người liên lạc tên là Hoàng Hữu Ngạn, đúng không?
Đại tướng:        Hoàng Hữu Ngạn?... Thưa Bác đúng ạ. Mà, có chuyện gì vậy, thưa Bác?
Hồ Chủ tịch:    (Đột ngột trầm xuống) Từ khi bọn Mỹ ồ ạt đổ quân vào Miền Nam, Bác đã ra lời kêu gọi những con em, cán bộ miền Nam tập kết ra Bắc tình nguyện quay về chiến đấu giải phóng quê hương. Liền theo đó, Bác đã nhận được rất nhiều quyết tâm thư. Trong số đó,  có một lá thư viết bằng máu của chú Hoàng Hữu Ngạn (lặng đi một lúc) Chú Ngạn kể rằng lúc bọn Mỹ mới đổ quân sang, đồng bào và chiến sĩ rất háo hức muốn đánh. Nhưng Huyện ủy của chú ấy thì lại hoang mang dao động, ra nghị quyết rút lên rừng sâu để bảo toàn lực lượng... Chú Ngạn và một số đồng chí nữa đã phản đối nghị quyết ấy... Và, chú ấy bị trù dập, bị coi là phần tử chống đối nghị quyết. Thế rồi... khi căn cứ Huyện đội bị bom Mỹ đánh vào, chú ấy đã bị thương, ngất đi và được chuyển ra một trạm thu dung ngoài miền Bắc. Không có giấy tờ, không có ai chứng nhận, bây giờ xin trở lại chiến trường cũng không ai  cho. Chú ấy viết thư vào Huyện ủy cũ, chẳng biết có đến nơi không mà không thấy ai trả lời... Coi như bị giam lỏng. Bí quá, chú ấy phải viết quyết tâm thư lên Bác. Trong thư, chú ấy tự giới thiệu trước đây làm liên lạc cho Đại tướng Nguyễn Chí Thanh. Thư đây, chú xem đi...
Đại tướng:        (Ngập ngừng) Thưa Bác, tôi xin phép hỏi, những điều kể trong thư này, có đáng tin không ạ?
Hồ Chủ tịch:    Trước hết hãy nên tin. Theo Bác, niềm tin là cái cần có đầu tiên trong quan hệ con người với con người. Người chiến sĩ cách mạng lại càng cần phải như thế. Tất nhiên, sau đó lại cần phải tìm hiểu và xác nhận. Vì lẽ đó, Bác muốn nhờ chú nhân chuyến đi này, vào tìm đến địa chỉ này xác minh sự thật xem sao. Ở ngoài này Bác sẽ đề nghị Ban tổ chức Trung ương tìm xuống đoàn thu dung trực tiếp gặp đồng chí Ngạn...
Đại tướng:        Thưa Bác... một việc như thế này...mà Bác lại gọi là việc riêng?
Hồ Chủ tịch:    Ồ, thì người ta gửi thư riêng cho mình... nhờ riêng mình mà...
Đại tướng:        Nhưng thưa Bác! Tôi cũng không hiểu vì sao một việc như thế này mà đồng chí ấy lại không viết thư cho Quân ủy Trung ương, cho Tổng cục Chính trị, hay cho Ban tổ chức, Ban thống nhất Trung ương... mà lại... phiền đến Bác?...
Hồ Chủ tịch:    À... đừng vội trách người ta. Biết đau chú ấy đã gửi đi tất cả các nơi ấy mà vẫn không được trả lời. Bởi vì... có thể hiện thời, các nơi ấy đang truy xét... Ờ... mà biết đâu ở những nơi đó, có người lại coi việc này là nhỏ, quá nhỏ... (bất ngờ) Mà này, chú có coi việc này là nhỏ không? Có làm phiền lụy chú không?
Đại tướng:        Thưa Bác, tôi xin hứa sẽ làm hết sức mình để xác minh việc này ạ.
Hồ Chủ tịch:    Thế là tốt (lặng ngắn)Chú vào Nam lần này công việc nặng nề lắm. Mỹ đã nhảy vào miền Nam, máy bay Mỹ ném bom ra miền Bắc. Đó là thế cùng của Hoa Kỳ. Tuy vậy, ở chiến trường, đồng bào và chiến sĩ ta cũng đang rất ngỡ ngàng, lúng túng. Cần phải tổng kết ngay tình hình, phải có kết luận, có đánh được Mỹ không, đánh bằng cách nào. Cần phải tổ chức lại lực lượng, địa bàn, tạo thế lực mới... Đặc biệt phải biết tạo ra thời cơ và nắm bắt lấy thời cơ... Việc của chú nhiều lắm, mà toàn những việc to cả. Tuy vậy, câu chuyện trong lá thư này, chú đừng cho là nhỏ. Bởi vì vào lúc này, lúc mà chúng mình đang phấn khởi, hồ hởi bàn bạc với nhau những chuyện thật to lớn, thì có một người đồng chí của minh đang bị trù dập, đang cô đơn. Mà chú có biết con người ta sợ nhất cái gì không? Không phải đói khát, không phải đạn bom... kể cả cái chết nữa, cũng không đáng sợ. Bác cứ ngẫm đời mình là biết. Cái đáng sợ nhất là sự cô đơn... là những lúc cảm thấy mình cô đơn...
Đại tướng:        (Xúc động) Bác!... Lâu nay... Bác thấy trong người có được khỏe không ạ?
Hồ Chủ tịch:    Bác vẩn khỏe, Bác đã nhiều lần xin với Bộ Chính trị cho Bác được đi vào Nam một chuyến. Không đi xe thì đi bộ, không đi suốt được thì đi từng chặng... Nhưng Bộ Chính trị đã không biểu quyết (thở ra khẽ)Đành vậy. con người khi tuổi tác càng cao thì sức khoẻ càng giảm sút. Điều đó chẳng có gì lạ. Nhưng Bác quyết sống, nhất định phải sống cho đến ngày giải phóng miền Nam...
Đại tướng:        (Cố ghìm nước mắt) Thưa Bác, tôi thay mặt cho toàn quân xin hứa với Bác sẽ hoàn thành suất sắc nhiệm vụ, đánh đuổi giặc Mỹ xâm lược, giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước để được nhanh chóng đón Bác vào với miền Nam.
Hồ Chủ tịch:    (Khẽ kêu lên) Miền Nam!... (Nghẹn lời)
(Âm nhạc trào lên khúc quân hành vì miền Nam.
 Tắt đèn 
   
II

      Một chiếc lán nửa chìm nửa nổi ở vùng đất trong rừng sâu. Một sự im lặng hiếm hoi. Có thể nghe rõ một bản nhạc quen thuộc từ đâu đó vọng vào. Và cả tiếng chim hót. Thoảng hoặc mới nghe vài tiếng súng từ mặt trận vọng lại.
Cảnh Tài, ăn mặc khá chải chuốt, cùng với Hoài Vân xuất hiện.
Hoài Vân:        Mẹ ơi! Mẹ... (im lặng)
Cảnh Tài:         Bà già lại đi vắng rồi! Biết ngay mà. Gặp cho được bà này còn khó hơn gặp Thủ tướng.
Hoài Vân:        Mẹ hay đi vắng ban đêm, nhất là hôm nào có nhiều thương binh ở mặt trận chuyển lên. Còn ban ngày...
Cảnh Tài:         Này, cô cứ gọi bà Quế là mẹ như vậy mà không ngượng à?
Hoài Vân:        Ngượng gì? Bộ đội vùng này ai chẳng gọi người Trạm trưởng cứu thương này như vậy.
Cảnh Tài:         Họ gọi với nghĩa khác. Còn cô...
Hoài Vân:        Em thì sao? Anh nên nhớ, mẹ Quế được mọi người gọi bằng mẹ không phải chỉ vì tuổi tác. Cũng không phải chỉ bởi quý trọng một người phụ nữ có chồng là liệt sĩ. Cái chính vì trong những năm tháng này, mẹ đã sống, đã làm việc hết sức mình, đã thực sự yêu thương các chiến sĩ như con đẻ... Anh cười cái gì thế?
Cảnh Tài:         À, tôi vui. Nói chung, là một cán bộ thi đua, tôi hiểu những điều ấy còn sâu hơn Hoài Vân nữa. Và tôi cũng coi mẹ Quế  đây như mẹ mình. Có điều, mọi ngưỡi vẫn nghĩ rằng Hoài Vân gọi mẹ còn có ý nghĩa khác.
Hoài Vân:        À... thì đã sao. Giả sử em yêu anh Kiên không được à?
Cảnh Tài:         Quá tốt. Một dũng sĩ yêu một dũng sĩ. Thật là tuyệt vời. Điều đáng buồn là tình yêu của Hoài Vân đã không được đền đáp.
Hoài Vân:        Thực ra bọn em chưa hề nói gì với nhau.
Cảnh Tài:         Cần gì nói. Cứ nhìn sự đối xử là biết.
Hoài Vân:        Đối xử như thế nào?
Cảnh Tài:         Em còn phải hỏi. Nếu cậu Kiên thực lòng yêu em, tại sao còn phá ngang bản thành tích của em? Nếu cậu ấy thực sự vì em thì gần một tháng nay anh đã chẳng phải chạy ngược chạy xuôi đến khổ sở như thế, và hôm nay chúng mình chẳng đến mức muối mặt đến đây nói khó nói dễ với mẹ anh ta.
                       (im lặng)
Hoài Vân:        Trong chuyện này... thực lòng em cũng có băn khoăn...
Cảnh Tài:         Không phải là băn khoăn nữa, mà em cần phải nhìn cho rõ. Cậu Kiên chưa bao giờ yêu em đâu.
Hoài Vân:        Không. Em muốn nói băn khoăn về cái bản thành tích của em kia...
Cảnh Tài:         Làm sao?
Hoài Vân:        Chính em cũng không biết thế nào là phải... Biết đâu...
Cảnh Tài:         Trời đất ơi! Cô điên à?
Hoài Vân:        Anh Cảnh Tài!... Anh cho em được nói thật một câu...
Cảnh Tài:         Không nói gì cả. Cô không được tự mình dao động. Cô không được nói trái Nghị quyết của Đảng ủy xã cô. Bởi vì cô cần phải ý thức rằng thành thích của cô không phải là của riêng cô, mà là thành tích của nhân dân xã cô dưới sự lãnh đạo của Huyện ủy, Tỉnh ủy và Mặt trận. Vinh dự của cô không phải là của cá nhân cô, mà trước hết là của nhân dân đồng bào, của bao chiến sĩ ngã xuống, của bà con cô bác khắp toàn chiến trường, của...
Hoài Vân:        Thôi... Tôi van anh! (ôm đầu)
Cảnh Tài:         Hoài Vân... Tại sao em lại có những suy nghĩ lạ lùng như thế? Trong lúc đó anh phải lao tâm lao lực biết bao đêm ngày vì bản báo cáo của em. Với tư cách một Phó ban thi đua, lẽ ra anh chỉ có trách nhiệm chung, còn cụ thể đã có các trợ lý. Thế mà đích thân anh phải bồi dưỡng cho em từng câu, từng đoạn, trực tiếp viết đi sửa lại từng chi tiết, từng dòng... Em có biết vì sao không?
Hoài Vân:        Em... em sợ...
Cảnh Tài:         Em sợ cái gi? Hay em sợ thằng Kiên! Nó chỉ là một Trung đội trưởng, làm sao lại đủ chứng cứ để phủ định em. Hơn nữa... sau lưng em còn có anh... mà không những chỉ có anh mà còn có đồng chí Quyền Bí thư tỉnh ủy nữa.
Hoài Vân:        Sao? Chú Trần Oanh?
Cảnh Tài:         Chú Trần Oanh hết lòng ủng hộ em. Chẳng lẽ trong đoàn dũng sĩ của toàn Mặt trận lần này lại không có một đại biểu của lực lượng dân quân tỉnh ta. Chính chú ấy đã chỉ thị cho anh trực tiếp lo chuyện này cho em...
Hoài Vân:        Nhưng tại sao lại đến mức như thế?
Cảnh Tài:         Chà, biết nói thế nào với em được. Nguyên tắc Đảng em cũng biết rồi. Việc đến đâu nói đến đó... Nhưng... có lẽ với em... anh cũng chẳng dấu nữa (nhìn quanh) Lần báo cáo thành tích này có một ý nghĩa đặc biệt... Vô cùng đặc biệt, em hiểu không?
Hoài Vân:        Biết rồi. Đại hội mừng công Quân khu.
Cảnh Tài:         Ăn thua gì? Cao hơn.
Hoài Vân:        Toàn miền?
Cảnh Tài:         Cao hơn... tít mù mù kia.
Hoài Vân:        Sao?
Cảnh Tài:         (Ghé vào tai) Nếu xuôi lọt, em sẽ được ra Thủ đô, được gặp Bác Hồ.
Hoài Vân:        (Sững ra) Trời đất ơi!...Bác..Bác..
(Chị Quế xuất hiện)
Cảnh Tài:         Ồ... con chào mẹ.
Quế:                Anh Tài đó à? Cả con Vân nữa...
Hoài Vân:        Mẹ! (nhào đến ôm chặt lấy mẹ. Cô vẫn chưa qua khỏi cơn xúc động bàng hoàng)
Quế:                Có chuyện gì mà đến sớm vậy con ? Ơ hay...Sao cứ ôm rịt lấy mẹ thế?
Cảnh Tài:         Mẹ! Con mời mẹ ngồi đây...
Quế:                Đây là nhà tôi. Tôi mời anh ngồi. Cả con Hoài Vân nữa... ngồi xuống đây. Nào cả hai có chuyện gì cần đến mẹ.(Cả hai chợt lúng túng một lúc)
Cảnh Tài:         Báo cáo với mẹ, trước hết con xin xác định với mẹ đây là một việc chung, một công việc mang ý nghĩa trọng đại, gắn liền với xương máu, vinh dự, trách nhiệm của nhân dấn trên địa bàn này...
Quế:                Chà, những việc to tát như vậy thường chỉ ở trên chỗ các anh thôi, tôi chỉ là một đội trưởng cứu thương.
Cảnh Tài:         Nhưng mẹ lại là một người chiến sĩ, mà theo như con được biết trước đây cũng là một cán bộ có tầm cỡ của vùng này, là người có uy tín lớn trong thế hệ cha anh trước đây
Quế:                Thôi được rồi. Trước đây là trước đây. Ý anh muốn nói tôi làm gì lúc này, cứ nói.
Cảnh Tài:         Thưa mẹ, trước hết đây không phải là ý con. Như con đã nói, đây là ý lãnh đạo, là ý nguyện của nhân dân, của cán bộ, chiến sĩ toàn Mặt trận này... Muốn rằng, trong thắng lợi vĩ đại của nhân dân  trên khắp chiến trường Nam Bắc trong mùa khô lịch sử này có phần đóng góp đáng tự hào của cán bộ chiến sĩ Mặt trận chúng ta...
Quế:                Thì đã đành là thế.
Cảnh Tài:         Vâng. Và trong thành tích huy hoàng của Mặt trận ta suốt mùa khô lịch sử này, có phần đóng góp xuất sắc của quân dân tỉnh ta.
Quế:                Ơ hay, thì đúng là như vậy còn gì.
Cảnh Tài:         Và trong sự cống hiến xuất sắc của toàn tỉnh, không thể không kể đến xương máu của huyện nhà, mà trong toàn huyện không lẽ nào lại thiếu phần vinh dự của xã ta... mà trong xã ta...
Quế:                Ôi chao, anh có thể nói gọn gọn một tý được không?
Cảnh Tài:         Vâng, thì cũng đến lúc con xin nói gọn. Trong thành tích chung của xã ta, cấp trên nhận thấy đồng chí Hoài Vân đây là một dũng sĩ xuất sắc.
Quế:                Thật thế sao?
Cảnh Tài:         Đấy, chính mẹ cũng còn rất bàng quang. Đồng chí Hoài Vân đây đã tham gia chiến dịch vây ép, với cây súng bắn tỉa trong tay, với tấm lòng căm thù địch sâu sắc, với quyết tâm lập công dâng Đảng, với niềm tin không có gì lay chuyển được vào sự lãnh đạo sáng suốt của Tỉnh ủy và Trung ương, với... với...
Quế:                (Nhắc) Với mấy viên đạn...
Cảnh Tài:         Phải rồi. Với 30 viên đạn đã bắn gục 26 tên Mỹ
Quế:                (Bật dậy) Thật thế ư?
Cảnh Tài:         Hoàn toàn đúng như vậy?
Quế:                Đã xác định chính xác à?
Cảnh Tài:         Chính xác 100%
Quế:                Ôi... con của mẹ giỏi lắm! (ôm Vân) Thực mẹ không thể ngờ
Cảnh Tài:         Thưa mẹ, vì thành tích xuất sắc ấy, cô Vân đã được chọn đi báo cáo điển hình toàn tỉnh...
Quế:                Mẹ mừng cho con.
Cảnh Tài:         Và sẽ được được chọn đi dự mừng công Quân khu. Rồi sẽ lên đại hội toàn Miền... Rồi... Mà khoan đã, hẵng tạm biết đến đó.
Quế:                Trời đất ơi... không ngờ con lại giỏi giang đến như thế. Thực đúng là vinh dự chung cho cả xã.
Cảnh Tài:         Đúng thế. Vinh dự chung cho tất cả chúng ta, trong đó có mẹ. Vì vậy, mẹ cũng nên có trách nhiệm đóng góp vào thành tích này.
Quế:                Ừ, làm gì được giúp nó, mẹ xin xung phong cả hai tay.
Cảnh Tài:         Tốt qua. Mẹ thế mới xứng đáng là mẹ chiến sĩ.
Quế:                Nào, vậy chừ hai đứa bây cần tao giúp gì?
Cảnh Tài:         Báo cáo mẹ... Hiện nay, báo cáo của Hoài Vân có gặp một tí trắc trở. Có người cố tình không thừa nhận.
Quế:                Sao thế?
Cảnh Tài:         Chủ yếu là vì sự nhỏ nhen, sợ thành tích người khác làm lu mờ thành tích của mình.
Hoài Vân:        Anh Cảnh Tài! Không phải thế đâu.
Cảnh Tài:         Cô cứ để tôi làm việc với mẹ. Thưa mẹ, chúng ta đang thực hiện công cuộc vận động chống chủ nghĩa cá nhân. Con nghĩ, một người như mẹ chắc chắn sẽ không bao giờ chấp nhận điều ây.
Hoài Vân:        Anh Cảnh Tài!
Quế:                Nhưng tôi thì dính gì vào chuyện này.
Cảnh Tài:         Vâng, mẹ không dính gì cả. Vì thế con muốn mẹ đồng tình với bản báo cáo này... Mẹ nên xác nhận cho Vân.
Quế:                Sao?  Tôi xác nhận. Tôi nào có biết gì?
Cảnh Tài:         Nhưng con trai của mẹ lại biết.
Quế:                Thằng Kiên?
Cảnh Tài:         Nguyễn Kiên. Thiếu úy Trung đội trưởng trinh sát mặt trận. Chính anh ta đã to tiếng phủ nhận bản thành tích của Hoài Vân (Bà mẹ sửng sốt nhìn Vân... Vân bối rối tránh mắt mẹ)
Quế:                Làm sao lại thế? Có phải chính thằng Kiên và con... đã thương nhau.
Cảnh Tài:         Xin mẹ đừng lẫn công việc riêng tư vào công việc trọng đại. Có thể cô Hoài Vân có cảm tình với anh Kiên. Nhưng nếu chuyện đó là có thật, thì đáng lý ra anh Kiên phải ủng hộ cho người yêu mình tiến bộ chứ.
Quế:                Thôi được rồi! Nãy giờ tôi toàn nghe anh nói. Mà thành tích là thành tích con Vân, đúng không? Vậy, tôi muốn được nghe nó. Hoài Vân... con hãy nói thật cho mẹ nghe xem... con đã bắn gục bọn Mỹ như thế nào?
Hoài Vân:        Con... con... đã bắn.
Quế:                Dĩ nhiên là con bắn rồi. Nhưng cự ly cách bao nhiêu?
Hoài Vân:        Dạ... ba trăm mét
Quế:                Ba trăm mét?
Cảnh Tài:         Nhưng mẹ nên nhớ loại súng bắn tỉa này có bộ máy ngắm rất hiện đại.
Quế:                Con có nhìn rõ thằng Mỹ qua máy ngắm không?
Hoài Vân:        Thưa mẹ, rất rõ ạ.
Quế:                Nhưng làm sao lại biết nó chết?
Hoài Vân:        Dạ, chúng con vây ép vòng ngoài, cách xa cứ điểm khoảng 300 mét. Con cứ ngắm qua máy ngắm, nhìn rõ mục tiêu là bóp cò. Sau phát đạn là mục tiêu biến mất.
Cảnh Tài:         Đấy, sau phát đạn là mục tiêu biến mất. Biến mất tức là gục ngã. Chẳng lẽ thằng Mỹ còn có phép tàng hình à?
Quế:                Nhưng nếu có thằng Mỹ nào trong số đó ngồi thụp xuống hào thì sao?
Cảnh Tài:         Ấy đấy, mẹ lại nói i chang như cậu Kiên... Mà mẹ có biết nói như vậy nghĩa là thế nào không? Là sự hoài nghi, phủ nhận thắng lợi.
Quế:                Cái gì? Hoài nghi? Phủ nhận?...
Cảnh Tài:         Mà sự hoài nghi, phủ nhận này sẽ làm tổn thất công lao chung như thế nào mẹ có biết không? Đáng ra con không được phép nói trước những điều cấp trên chưa nói. Nhưng vì đây là một trường hợp đặc biệt, cho nên con cứ liều nói ra. Mẹ nên hiểu rằng đoàn dũng sĩ đi báo cáo thành tích đợt này sẽ được ra tận miền Bắc, sẽ ra Hà Nội, sẽ được gặp Bác Hồ.
Quế:                Sao? Gặp Bác Hồ?
Cảnh Tài:         Lẽ nào mẹ lại để cho con dâu tương lai trượt mất cơ hội ngàn năm có một ấy. (Im lặng)
Quế:                Gặp Bác Hồ! Có thật vậy không? Ôi, ước mơ bao nhiêu năm tháng... bao nhiêu xương máu... bao nhiêu gian truân cực khổ...
Hoài Vân:        Mẹ!
Quế:                Hoài Vân! Mẹ không biết rằng sau này có được làm mẹ chồng của con hay không, nhưng dù thế nào thì mẹ cũng thương con, quý con như quý thằng Kiên của mẹ...
Hoài Vân:        Mẹ!
Quế:                Nếu quả thật chuyến đi này sẽ được gặp Bác Hồ...
Cảnh Tài:         Nhất định như vậy mà. Chẳng lẽ mẹ không tin lời một Phó ban thi đua như con sao?
Quế:                Nếu quả thật chuyến đi này sẽ được gặp Bác...
Cảnh Tài:         Thì mẹ phải hết lòng ủng hộ chứ? Mẹ sẽ thuyết phục cậu Kiên chứ?
Quế:                Thì mẹ khuyên con hãy trung thực. Bác Hồ chỉ quý người trung thực thôi.
(Tất cả ngớ ra)
Cảnh Tài:         Bà nói như vậy nghĩa là thế nào?
(Lúc này Trần Oanh xuất hiện).
Quế:                Mẹ không phải là người cùng đi chiến đấu với con nên mẹ không thể nào chứng nhận được một điều gì hết. Mẹ chỉ có thể nói với con thế này. Mắt Bác Hồ sáng lắm. Lòng Bác Hồ trong lắm. Không thể có một thứ dối trá nào đến gần được với Bác đâu.
Cảnh Tài:         Bà Quế!
Quế:                Nếu thằng Kiên tôi có về đây, tôi cũng chỉ có thể nói được với nó như vậy.
Trần Oanh:      Đúng là như vậy!
(Mọi người quay lại)
Cảnh Tài:         Ồ, kính chào đồng chí Quyền Bí thư Tỉnh ủy.
Hoài Vân:        Chú!...
Trần Oanh:      Chào cháu, đồng chí Tài, hãy đưa cô Vân trở về Ban tuyên huấn Mặt trận. Sáng  nay có một đồng chí cán bộ cao cấp sẽ gặp các đồng chí.
Cảnh Tài:         Xin phép chú.
Hoài Vân:        Thưa mẹ con về. Cháu chào chú.
Trần Oanh:      Chào cháu. Hãy tự tin vào mình, đấy là sức mạnh vô địch của người cách mạng.
(Cảnh Tài và Vân ra)
Quế:                Kính mời đồng chí Bí thư ngồi uống chén nước.
Trần Oanh:      Cám ơn. Tôi chỉ mới Quyền Bí thư thôi mà. Chị vẫn khỏe thường chứ?
Quế:                Dạ, thưa anh, vẫn bình thường.
Trần Oanh:      Tôi cứ tưởng... hôm nay là ngày... chị có cắm nén nhang để tưởng nhớ anh Ngạn?
Quế:                Hôm nay?
Trần Oanh:      Ủa... thì trong giấy chứng nhận liệt sĩ mà tôi đã ký xác nhận lấy ngày hôm nay là ngày anh ấy hy sinh. Tôi có nhờ mấy đồng chí đi cơ sở mua bó hương này lên để thắp cho anh ấy...
Quế:                Cảm ơn đồng chí Bí thư. Nhưng giấy tờ là giấy tờ. Còn thực ra... cái ngày anh ấy mất có ai biết được.
Trần Oanh:      Chị lại nghĩ lẩn thẩn rồi. Ngày giờ và sự tưởng niệm chỉ là quy ước để biểu đạt sự tri âm của người sống. Chứ mình có theo duy tâm đâu mà đòi hỏi cúng giỗ thật đúng ngày để cho người chết được hưởng.
Quế:                Anh dạy cũng phải. Tôi không duy tâm. Nhưng dù chỉ là ngày tượng trưng thôi cũng cần có chứng cớ gì đó cho thật chính xác thì khi đốt nén hương, khi tưởng niệm, lòng mình nó mới thanh thản.
Trần Oanh:      Thế chị không tin tôi à? Ngày này có đúng là ngày cách đây 2 năm chị từ đội cứu thương chạy vào đến bãi tranh, tôi từ trong cao điểm H5 chạy ra gặp chị.
Quế:                Tôi vẫn nhớ.
Trần Oanh:      Lúc đó chừng 6 giờ sáng đúng không?
Quế:                Đúng thế.
Trần Oanh:      Như vậy, các đồng chí trong Huyện ủy hi sinh khoảng tám giờ đêm hôm trước.
Quế:                Nhưng chính anh đã nói, anh không chôn cất họ, không cầm được giấy tờ, vũ khí hay bất kỳ một kỷ vật gì...
Trần Oanh:      Thì tôi đã nói, lúc đó bọn Mỹ đã đánh thọc vào, chẻ đội hình chúng tôi thành nhiều mũi. Một mình tôi trong đêm tối làm sao vượt qua nổi một tiểu đoàn thủy quân lục chiến để vào chỗ các anh ấy...
Quế:                Tôi nói không phải để trách anh, mà chủ yếu là để xác định cái chết của chồng tôi thôi. Như vậy có nghĩa là... anh vẫn hoàn toàn không nhìn thấy các đồng chí khác trong Huyện ủy hy sinh.
Trần Oanh:      Thế theo chị, không hy sinh thì làm sao?
Quế:                (Thở dài) Tôi còn biết thế nào được nữa.
Trần Oanh:      Hừ, chị thuộc loại người hết sức kỳ cục. Không hy sinh thì chỉ còn có khả năng duy nhất là bị bắt. Nếu không thì đã hơn một năm nay, người ta phải tìm về với chị chứ. Mà nếu bị bắt thì có nghĩa là thế nào chị hiểu không? Trong lúc đó tôi xác nhận cho chị anh ấy hy sinh, chị đã được tất cả mọi người quý trọng vì là vợ một liệt sĩ cách mạng. Thế mà chị lại không chịu yên tâm với điều đó. Chị cứ tự mình dao động, hồ nghi... tôi thật không sao hiểu nổi.
Quế:                Có gì mà anh không hiểu nổi. Anh Ngạn là một Huyện đội trưởng, anh ấy có thể hy sinh mà cũng có thể bị bắt. Việc ấy với Đảng cần phải trung thực. Anh ấy là chồng tôi, có thể đã chết mà cũng có thể đang sống. Tôi không thể thắp hương cầu nguyện cho một linh hồn đang sống.
Trần Oanh:      Nhưng trong điều kiện cả nước đang có chiến tranh, ta không thể đòi hỏi mọi vấn đề phải được giải đáp một cách hoàn toàn cụ thể.
Quế:                Vâng. Hoàn cảnh khó khăn thì tôi đành cắn răng chịu đựng. Nhưng chịu đựng là một chuyện, còn không thể an tâm với những điều chưa được rạch ròi, càng không thể thanh thản tự hào với những điều dối trá.
(Im lặng)
Trần Oanh:      Thôi, cái đó tùy chị. Tôi là một Phó Bí thư tỉnh ủy hiện đang Quyền Bí thư, tôi không thể có điều kiện sâu sát với tất cả các cảnh ngộ trong tỉnh. Riêng với chị, chẳng qua vì anh ấy là bạn cũ, chị cũng là một cứu thương trong trạm cứu thương của huyện ngày ấy, vì lẽ ấy tôi có điều kiện để quan tâm hơn. Nhưng nếu chị thấy không cần thiết sự xác nhận của tôi thì thôi vậy...
Quế:                Kìa, anh Oanh!
Trần Oanh:      Nhưng dù sao, chị cũng là một Đảng viên. Cậu Kiên nhà ta cũng là một Đảng viên. Việc cậu ấy cứ hoài nghị, phủ nhận bản thành tích của cô Hoài Vân là vi phạm nguyên tắc của Đảng. Cả chị lẫn con chị đã có những bộc lộ dao động, hoài nghi vào sự lãnh đạo của Đảng. Điều ấy... tôi không thể nào che chắn hết được đâu.
Quế:                Tại sao anh lại nghĩ về cháu những điều nặng nề như vậy? Có thể nó chưa đồng ý với một bản báo cáo thành tích, nhưng đâu phải vì vậy mà nghi ngờ sự lãnh đạo của Đảng?
Trần Oanh:      Đảng ở đây tức là sự lãnh đạo của Tỉnh ủy. Tôi đã nghe cái hơi thở ấy từ các đơn vị cắm sâu. Một vài phần tử cá nhân chủ nghĩa đã dám lên tiếng rằng, Tỉnh ủy này dao động kéo lên tít trên rừng, bỏ cơ sở, không dám tổ chức tấn công khi Mỹ đổ bộ vào mà chỉ dùng lực lượng du kích vây ép, bắn tỉa nhằm tránh đụng độ lớn. Vì muốn phê phán điều ấy, người ta cố tình bác bỏ các bản thành tích của dũng sĩ bắn tỉa.
Quế:                À, ra thế. Còn anh, vì muốn bảo vệ chuyện trèo cao lên rừng nên đã cố công dàn dựng các bản thành tích ấy?
Trần Oanh:      Chị Quế! (im lặng nhìn găm vào Quế) Tôi biết rõ, cả anh Ngạn trước đây, cả chị lẫn con chị hôm nay đều không ủng hộ tôi. Thôi được, tôi sẽ cho người xác minh lại các bản thành tích. Tôi cũng sẽ cử người có trách nhiệm truy cứu lại trường hợp hy sinh của anh Ngạn. Ờ, mà biết đâu giả thiết của chị lại đúng. Anh Ngạn không phải là một liệt sĩ mà đã bị bắt và nay đang béo tốt ở Sài Gòn? Nếu vậy chắc chị sẽ yên tâm và toại nguyện hơn...
Quế:                Trời ơi! Anh Oanh! Sao anh nỡ nói với tôi như vậy? Anh  với nhà tôi là bạn... cùng trong Thường vụ huyện ủy với nhau... nay anh lại đang là Quyền Bí thư tỉnh ủy... Tôi không tin anh còn tin ai?
(Hoàng Kiên từ ngoài chạy ùa vào)
Kiên:                Mẹ! (Lao đến ôm lấy mẹ, chợt nhìn thấy Trần Oanh) À, cháu chào chú... (quay lại thấy mẹ rơm rớm nước mắt) Mẹ! mẹ làm sao thế này? Mẹ ơi, mẹ cười lên! Cười lên rồi con nói cho mẹ nghe điều này... cực kỳ...
Quế:                (Gượng cười) Có chuyện gì thế con!
Kiên:                Mẹ ơi!... Có một đồng chí thủ trưởng cao cấp của Bộ đang muốn gặp mẹ.
Quế:                Hả? Một thủ trưởng cao cấp muốn gặp mẹ?
Kiên:                Dạ. Con được gọi lên mặt trận báo cáo thành tích trực tiếp cho thủ trưởng cao cấp nghe. Khi nghe con đọc phần lý lịch, thủ trưởng đã chạy đến hỏi con dồn dập. Rồi thủ trưởng ấy bắt con dẫn về đây gặp mẹ ngay. Mẹ ơi, hóa ra ba con ngày trước cũng là liên lạc của thủ trưởng ấy.
Quế:                (Sững sốt) Đại tướng Nguyễn Chí Thanh?
Kiên:                Đúng rồi. Mẹ cũng biết chuyện ấy à?
Quế:                Ba con vẫn kể luôn mà. Trời ơi, Đại tướng Nguyễn Chí Thanh!
(Đại tướng xuất hiện)
Đại tướng:        Tôi đây. Chị là vợ anh Ngạn?
Quế:                Dạ... Tôi không ngờ... trong lúc bận trăm công ngàn việc như vậy mà thủ trưởng vẫn còn nghĩ đến tôi...
Đại tướng:        Tôi tìm anh Ngạn và chị... trước hết là để chấp hành một chỉ thị. Chị có biết ai đã chỉ thị cho tôi không?
Quế:                Ai ạ?
Đại tướng:        Bác Hồ!
Quế:                (Sững người) Bác Hồ... Bác Hồ... Sao lại thế? Sao mà Bác lại biết đến vợ chồng tôi?... (Nước mắt trào ra)



                                   Tắt đèn
Ý kiến về bài viết
  Gửi bởi: linh - 14/03/2012

Cha là Hoàng Hữu Ngạn con trai lại là Nguyễn Kiên 

  Gửi bởi: Hữu Đạt - 20/03/2012

Dip tết vừa rồi nghe đài Phát thanh truyền hình Hà Nội thông báo là sẽ phat vở kịch này, nhưng đón mãi không thấy. Cũng có thể lu bu với công viêc nên bỏ lỡ cơ hội tiếc quá tiếc quá!!!Frown

  Gửi bởi: Hoài Tố Hạnh - 17/08/2012

Chào anh Xuân Đức!
Em quả thật giật mình khi nhân vật đầu kịch của anh là chủ tịch Hồ Chí Minh!... Chẳng những giật mình mà còn nổi hết gai gà, nghẹn ngào và lặng đi một lát mới đọc tiếp được. Ngày Bác mất cả miền Bắc khóc như mưa...Em nằm trên lưng trâu rấm rức khóc đến mấy ngày...Bây giờ con cháu Bác làm bậy, bọn giặc thối lấy cớ đó chưởi luôn cả Bác. Hẳn Bác nằm trong lăng mà không một phút bình yên trước tình trạng đất nước thời nay phải không anh?...Thương Bác quá và cũng thương cho đất nước, nhân dân mình. Bao nhiêu khổ đau nát đất, ngút trời đã qua, cứ ngỡ nhân dân sẽ hạnh phúc, đất nước sẽ phồn thịnh sánh vai với các cường quốc năm châu như mơ ước của Bác, khát vọng của cả dân tộc  vậy mà...
Hỡi ôi! Nếu một ngày kia chúng ta không còn độc lập thì Việt nam sẽ là một tỉnh của Trung cộng hay một bang của Mỹ đây...

" Phải tìm hiểu thật kỹ bọn Mỹ... và cũng phải tìm hiểu cả ta... Phải tìm hiểu thật kỹ đội ngũ của ta. Muốn đánh thắng Mỹ, phải có những con người dám đánh, dám hy sinh suốt đời cho sự nghiệp cách mạng, biết đoàn kết thương yêu nhau như ruột rà..."
Câu nói của Bác thủa nào vẫn là chân lý hôm nay- và chỉ cần thay Mỹ bằng Trung Khựa, thay tư sản đỏ, nhóm lợi ích cá nhân bằng dám đánh, dám hy sinh suốt đời cho sự nghiệp cách mạng, chỉ cần thay mất niềm tin, vô cảm, thù ghét, gây chia rẽ bằng đoàn kết thương yêu nhau như ruột thịt...
Một lần nữa phải chăng Hồn thiêng sông núi lại linh thiêng hiển hiện qua nhân vật Hồ Chí Minh trong kịch Xuân Đức để báo mộng cho các nhà chức trách đương đại là con cháu Bác Hồ, con cháu Đại tướng Nguyễn Chí Thanh- giấc mộng nỏ thần không phải dựa trên ngoại bang, lưu quốc nào mà nằm trong chính nội lực của quốc gia này- lãnh đạo phải gột rửa mình cho trong sạch, tử tế, thực lòng vì dân vì nước, cây tre trăm đốt khắc xuất tản mát trong thời bình tao loạn phải chỉnh đốn để khắc nhập, 80 triệu người Việt phải trên dưới một lòng đoàn kết thương yêu nhau thì mới thắng được Trung Quốc...Còn làm ngược lại di huấn của Bác, của kinh nghiệm, hồn thiêng núi sông thì chúng ta đang:
"Nỏ thần vô ý trao tay giặc
Nên nỗi cơ đồ đắm biển sâu..."
Và thần dân sẽ khốn khổ muôn phần...
Nếu có chiến tranh xẩy ra các quan thầy bề trên, những nhà giàu đại gia, những quan tham nhũng hại dân bán nước đã sẵn villa ngoại quốc, máy bay, đường bay ưu tiên riêng, chỉ khổ cho dân Việt lại tái hiện cảnh làm rúng động thần bút Nguyễn Đình Chiểu khiến bao thế hệ phải khóc theo Văn tế nghĩa sĩ Cân Giuộc
(Ôi thôi thôi- chùa Tân Thạnh....
Tấm lòng son gửi lại bóng trăng rằm!!!!....
Vua mà rước giặc Trọng Thủy về làm con rể...
Thì còn gì là nước non...
Bác Hồ ơi,
Đại tướng Nguyễn Chí Thanh ơi!!!!!!!!!!!!!!!!.....................)

"...lúc mà chúng mình đang phấn khởi, hồ hởi bàn bạc với nhau những chuyện thật to lớn, thì có một người đồng chí của minh đang bị trù dập, đang cô đơn. Mà chú có biết con người ta sợ nhất cái gì không? Không phải đói khát, không phải đạn bom... kể cả cái chết nữa, cũng không đáng sợ. Bác cứ ngẫm đời mình là biết. Cái đáng sợ nhất là sự cô đơn... là những lúc cảm thấy mình cô đơn..."
Bao nhiêu lần từ khi lên chủ tịch nước Bác Hồ thấy mình cô đơn không chỉ vì cuộc sống độc thân mà còn vì sự bất đồng thuận nào đó trong lòng những đồng chí, đồng bào với nhau. Bác như người của cõi cao xanh, ở tít tận cao xanh kia mà nhìn thấu nỗi cô đơn cô độc của một sinh linh oan đau, bị trù dập mù mịt tận chiến trường miền nam, chỉ đạo cho một đại tướng xem xét, cứu giúp...


"Đại tướng:        (Xúc động) Bác!... Lâu nay... Bác thấy trong người có được khỏe không ạ?
Hồ Chủ tịch:    Bác vẩn khỏe, Bác đã nhiều lần xin với Bộ Chính trị cho Bác được đi vào Nam một chuyến. Không đi xe thì đi bộ, không đi suốt được thì đi từng chặng... Nhưng Bộ Chính trị đã không biểu quyết (thở ra khẽ)Đành vậy. con người khi tuổi tác càng cao thì sức khoẻ càng giảm sút. Điều đó chẳng có gì lạ. Nhưng Bác quyết sống, nhất định phải sống cho đến ngày giải phóng miền Nam...
Đại tướng:        (Cố ghìm nước mắt) Thưa Bác, tôi thay mặt cho toàn quân xin hứa với Bác sẽ hoàn thành suất sắc nhiệm vụ, đánh đuổi giặc Mỹ xâm lược, giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước để được nhanh chóng đón Bác vào với miền Nam.
Hồ Chủ tịch:    (Khẽ kêu lên) Miền Nam!... (Nghẹn lời)
(Âm nhạc trào lên khúc quân hành vì miền Nam."
Ai đã từng rưng rưng khóc ngày Bác mất hẳn cũng nghẹn lời theo Bác. Ngày đó Bác thèm gặp nhân dân Miền Nam biết bao và nhân dân Miền Nam cũng thèm gặp Bác biết bao...
"Kiên:                Mẹ! (Lao đến ôm lấy mẹ, chợt nhìn thấy Trần Oanh) À, cháu chào chú... (quay lại thấy mẹ rơm rớm nước mắt) Mẹ! mẹ làm sao thế này? Mẹ ơi, mẹ cười lên! Cười lên rồi con nói cho mẹ nghe điều này... cực kỳ...
Quế:                (Gượng cười) Có chuyện gì thế con!
Kiên:                Mẹ ơi!... Có một đồng chí thủ trưởng cao cấp của Bộ đang muốn gặp mẹ.
Quế:                Hả? Một thủ trưởng cao cấp muốn gặp mẹ?
Kiên:                Dạ. Con được gọi lên mặt trận báo cáo thành tích trực tiếp cho thủ trưởng cao cấp nghe. Khi nghe con đọc phần lý lịch, thủ trưởng đã chạy đến hỏi con dồn dập. Rồi thủ trưởng ấy bắt con dẫn về đây gặp mẹ ngay. Mẹ ơi, hóa ra ba con ngày trước cũng là liên lạc của thủ trưởng ấy.
Quế:                (Sững sốt) Đại tướng Nguyễn Chí Thanh?
Kiên:                Đúng rồi. Mẹ cũng biết chuyện ấy à?
Quế:                Ba con vẫn kể luôn mà. Trời ơi, Đại tướng Nguyễn Chí Thanh!
(Đại tướng xuất hiện)
Đại tướng:        Tôi đây. Chị là vợ anh Ngạn?
Quế:                Dạ... Tôi không ngờ... trong lúc bận trăm công ngàn việc như vậy mà thủ trưởng vẫn còn nghĩ đến tôi...
Đại tướng:        Tôi tìm anh Ngạn và chị... trước hết là để chấp hành một chỉ thị. Chị có biết ai đã chỉ thị cho tôi không?
Quế:                Ai ạ?
Đại tướng:        Bác Hồ!
Quế:                (Sững người) Bác Hồ... Bác Hồ... Sao lại thế? Sao mà Bác lại biết đến vợ chồng tôi?... (Nước mắt trào ra)"
Cái vĩ đại của Bác là trong những tình tiết nho nhỏ như thế này đây....
Phải chăng những kẻ chuyên lẩn quất trong bóng tối sẽ sợ nắng trời lan tỏa và ánh trăng vằng vặc. Và phải chăng đây cũng là một nguyên nhân khiến vở kịch này ba chìm, bảy nổi chín lênh đênh...

Nhận xét

Chia sẻ cho bạn bè

Bài viết liên quan