Tuesday, October 13, 2015

Khúc tưởng niệm vĩnh hằng - Bút kí


Tác giả: Tân Linh

            
   Đất Quảng Trị quê tôi không xa lắm với Hà thành, nơi tôi đang sống và làm việc, nhưng tôi ít khi rảnh để nghỉ phép hay lãng du nên mỗi lần ghé về quê chỉ được một hai hôm, nhưng lần nào cũng vậy, tôi mất một buổi lên nghĩa trang. Mà nghĩa trang ở đất này thì quá lớn, quá nhiều, bởi thế những khi không nhớ hết mộ bạn thì việc tôi làm duy nhất là thấp mấy nén nhang cắm nơi đầu gió, may gửi lòng nhớ thương đến hết thảy bạn tôi đồng niên và vong niên, có tên và chưa có tên còn nằm dưới ba tấc đất.


Năm ngoái tôi đi cùng vị TBT báo và mấy anh em cơ quan về tưởng niệm. Chuyến đi ấn tượng quá với tôi bởi trong đoàn đi có em tôi, một thế hệ chưa biết đến tiếng nổ đạn bom. Em tôi sinh ra lúc tiếng súng miền Nam đã im rồi. Thế mà nhìn dáng em kính cẩn thắp hương vái lạy trước đài Liệt sĩ Trường Sơn, hay trên đài tưởng niệm giữa Thành cổ, hoặc khi thả hoa trên sông Thạch Hãn...lòng tôi xúc động quá chừng.  Mừng đất nước còn hồng phúc khi không ai quay lưng với quá khứ.
            Tôi về để tưởng niệm. Vâng! Tưởng niệm bạn bè, tưởng niệm tổ tiên miền châu Lý đã anh dũng kiên cường bám đất này như cái eo lưng Tổ quốc mà dựng xây gìn giữ. Nhà văn Xuân Đức, người đã sống và chiến đấu đôi bờ sông Bến Hải. Anh như nhân chứng cho mọi biến cố đất này, giữa đôi bờ Nam - Bắc, giữa anh hùng và hèn nhát, phản bội... Anh đương viết để trả nợ quê hương trả nợ đồng bào đồng chí Quảng Trị. Hình ảnh anh dùng nói về tiềm năng thế mạnh đất này làm ta đau lòng lắm lắm. Đau lòng mà không dẫn hình ảnh ấy lên đây được...Xuân Đức từng làm chủ tế trong lần Tưởng niệm liệt sĩ đôi bời Bến Hải. Bài văn tế năm nào giờ vẫn rưng rưng niềm cảm động thành kính. Có nơi đâu trên thế gian này lắm đau thương oanh liệt như nơi đây? Có lẽ từ hình ảnh ý tưởng ấy mà có hẳn tua du lịch DMZ, du lịch về nơi đối đầu của cuộc chiến dai dẳng nhất khốc liệt nhất giữa Việt Nam lam lũ cần cù với một đế quốc hùng mạnh bậc nhất.
Năm nay kỷ niệm 35 năm Chủ tịch Cu ba Phi đen sang thăm miền Nam Việt Nam lần đầu tiên. Ấy là năm 1972 khi chiến tranh bờ nam vẫn còn phía  Quảng Trị, Phi đen đã bay sang, mang theo ba lô võng dù qua cầu Đông Hà khoác vai trung tướng Trần Nam Trung, Bộ trưởng quốc phòng Chính phủ lâm thời Cộng hoà miền Nam Việt Nam để chứng kiến giây phút bắc nam sắp đến ngày sum họp. Đêm ấy, ông đã ngủ lại căn cứ Chính phủ lâm thời tại Cam Lộ. Người lãnh tụ đảo quốc Cu ba đã ngủ nguyên như vậy, trên võng dù, trong hầm chữ A với quân phục giải phóng, súng ngắn bên hông... Khi xe chở Phi đen trở ra cầu Hiền Lương thì từ cánh đồng bom nổ chạm mỹ đã nổ làm cô Hương một du kích phá bom khai hoang canh tác bị thương. Vị nguyên thủ đã tận mắt chứng kiến cảnh ấy, ông bế cô gái lên xe mình chở vào bệnh viện Việt Nam - Cu ba cấp cứu. Cô Hương bây giờ vẫn liên lạc với Phi đen như với một người cha nuôi...
            Tháng Tư này người khắp xứ xứ đổ về Quảng Trị, không phải đi trẩy hội mà đi hành hương về miền tưởng niệm.  Hai cái nghĩa trang quốc gia. Mấy chục cái nghĩa trang huyện và xã. Cái nào cũng...hoành tráng. Chao ôi! Sự hy sinh lớn quá, nỗi đau lớn quá, mà người Quảng Trị thì nghèo nên lòng thành "chật bụng không chật chi nhà". Năm nào cũng đón vài vạn thân nhân liệt sĩ, những người cha mẹ tìm con, vợ tìm chồng giữa âm dương cách biệt. Cái nhà đón tiếp thân nhân liệt sĩ được ví với khách sạn ba sao mà có người đùa gọi là ba không: Không lấy tiền ở, không lấy tiền ăn, không lấy tiền xe thăm nghĩa trang ...Ban giám đốc có trách nhiệm dons người thân liệt sĩ như người nhà mình ghé thăm quê. Đãi cơm rau, mắm ruốc, rồi đưa đi những nghĩa trang lớn nhỏ thắp hương hay tìm mộ... Bao nhiêu câu chuyện cảm động về tình cảm thiêng liêng của người đương sống với người bỏ mình vì nước đã được kể từ nơi này.
            Bạn tôi, anh đương làm báo Văn Hoá mà cả nước biết tiếng là Lê Bá Dương. Anh là lính giải phóng quân Quảng  Trị. Cậu con trai xứ Nghệ  này đã trốn nhà vào bộ đội lúc mới 15 tuổi. Lập nhiều chiến công, nhiều lần dũng sĩ. Nhưng bây giờ anh dành thời gian một năm vài lần về Đông Hà vô quảng Trị để làm lễ tưởng niệm đồng đội mình. Đò xuôi Thạch Hãn ơi chèo nhẹ/ Đáy sông còn đó bạn tôi nằm. /Có tuổi hai mươi  thành sóng nước/ Võ yên bờ bãi  mãi ngàn năm...Những vần thơ ấy của anh như hương khói như tượng đài nhắc nhớ về sự hy sinh. Lần ra Hà Nội gần đây họp cơ qua nanh đem tám ảnh Bác Hồ có bút tích chính anh viết quyết tâm thư trước khi vào trận mới. Bức ảnh Bác vô giá ấy qua tay đồng đội và ba mươi bảy năm sau lại được anh tìm thấy để trao cho bảo tàng ký ức chiến tranh. Cuôí tháng Tư nầy anh lại lên mạng thư ngỏ mời tất cả bàn bè chiến đấu trung đoàn 27 Gio - Cam về lại Đông Hà - Quảng Trị tưởng niệm đồng đội mình. Nghĩa cử ấy hành động ấy không cần giấy công lệnh, không cần chế độ công tác phí... Những người lính cũ về đây theo mệnh lệnh trái tim. Họ hầu hết đã rời khỏi cơ qaun đơn vị. Người lính trẻ cuối cùng của cuộc chiến đã bước sang tuổi hưu . Thế thì chả còn cầu danh lợi, chả cầu gì, chỉ cầu bình an cho đất nước, ấm no cho đồng bào.
Tôi vô Quảng Trị. Rưng rưng trước mắt tôi cảnh một bà mẹ quê miền Bắc khơi đống vàng mã cháy nghi ngút gửi về âm cho con trai mình. Bà đã làm nghĩa cử tưởng niệm riêng của mình. Mẹ đã khóc con như vậy. Vô nhà bảo tàng thành cổ, vẫn cô gái thuyết minh năm nào mà vẫn rưng rưng mối khi nghe lại chuyệnchiến đấu hy sinh giữ đất năm nào. Những chàng trai tuổi hai mươi bạn tôi, bao nhiêu người đã chiến đấu và nằm lại nơi này. Mấy nén nhang biết thắp cho bạn nơi mô. Thôi đành cắm lên lư hương đài tưởng niệm cho khói hương toả đi bốn phương tám hướng.
Lễ thả hoa trên sông năm nay được bắt đầu tư bến sông Thạch Hãn nhưng trên cầu cảng mới. Người ta đã xây thành bến thả hoa. Hoa đăng, hoa tươi được người về thả xuống. Sông nhận hết và chuyển hết về xuôi, về xa cho nhưng linh hồn phiêu dạt, rằng người hôm nay tưởng nhớ người đã khuất. Những anh hùng đã được phong và chưa được phong, họ không phàn nàn hay đòi hỏi gì đâu.
            Một bà mẹ trẻ Hà Nội trong dịp đi nghỉ ở Huế về khoe con cái không hiểu sao dạo này học hành giỏi và ngoan hẳn lên. Chị chợt phát hiện rằng sau khi đi Huế, cả nhà vào Thành cổ Quảng Trị tham quan. Các cháu nhà chị quá cảm động khi nghe chị thuyết minh ở đây nhắc nhớ về sự hy sinh của những người chiến sĩ bảo vệ thành cổ năm 1972 giữa mùa hè đỏ lửa. Vâng! Câu chuyện ấy có thể là một bài học lịch sử sinh động và xúc động đã ảnh hưởng đến tâm lý và tư tưởng lớp trẻ.
            Tháng Tư ngồi với hoạ sĩ Lê Trí Dũng, anh lính từng chiến đấu Quảng Trị năm nào để nhắc nhớ bạn bè một thuả tài hoa ra trận bây giờ ai còn ai mất. Chúng tôi nâng chén tưởng niệm bạn Hoàng Thượng Lân, đứa con yêu của nhà báo Hoàng Nguyến Ái đã không về ngày Quảng Trị im súng. Người từ Quảng Trị về bây giờ có người làm Bộ trưởng, người làm lãnh đạo ngành, lãnh đạo tỉnh. Lại có người có chức trọngquyền cao không giữ nổi mình để phải "chết" giữa thời bình...
            Tháng Tư về thăm mẹ. Mẹ khóc. Nhưng mẹ tôi không khóc mừng tôi lành lặn đến bây giờ, hay khóc tôi còn sông hồ lưu lạc giữa đời thường mà khóc cho bạn tôi, những đứa con bộ đội của mẹ ngã xuống sau từng đêm vào trận. Mẹ đã khóc mấy mươi năm, lá vàng trên cây khóc lá xanh rụng xuống. Biết bao mùa lá xanh không về cội.
            Quảng Trị đã gồng mình lên đi qua bão lửa chiến chinh bao nhiêu đận. Bây giờ thì đông Hà, thị xã Quảng Trị đã lại tấp nập phố phường. Những Gio Linh, Cam Lộ đã lại ngút ngàn xanh cao su hồ tiêu. Hướng Hoá - Khe Sanh cà phê đương cho những mùa quả đem về thơm thảo đất hiến cho người. Bây giờ Triệu Phong, Hải Lăng  lại rộn  rã mùa gặt mới...  Quảng Trị còn phải gồng mình gánh trách nhiệm chăm lo nới yên nghỉ của hàng chục vạn người con ưu tú các miền đất khác đã hy sinh ở đất này. Nếu mảnh đất mà mỗi dấu tích oai hùng xứng đáng dựng đền đài thì đất này sẽ có lắm đền đài tưởng niệm. Vâng, miền đất đền đài ấy sẽ ghi dấu lịch sử để lịch sử đừng lãng quên, để lịch sử có nơi về tưởng niệm. Đó là khúc tưởng niệm vĩnh hằng          
Đông Hà - Hà Nội tháng Tư 2009

 Đăng ngày 20/05/2009

Nhận xét

Chia sẻ cho bạn bè

Bài viết liên quan