Wednesday, October 7, 2015

Nhà thơ Cảnh Trà " tái xuất giang hồ"



     Xuanduc.vn: Cảnh Trà là cánh chim đầu đàn của nền thi ca Vinh linh giới tuyến. Anh không chỉ đóng góp cho quê hương này những tác phẩm sống mãi với thời gian mà còn tạo nên một tầm ảnh hưởng sâu rộng hình thành lên cả một đội ngũ sáng tác trên vùng đất lửa năm nào.
Thế rồi bỗng nhiên cánh chim đó mất hút. Những người bạn văn, những người dân đất tuyến từng yêu mến thơ anh đều cảm thấy trống vắng. Từ sau khi chiến tranh phá hoại ở miền Bắc chấm dứt, chúng tôi không nhận được bất cứ thông tin nào về Cảnh Trà, cả về cuộc sống lẫn những trang thơ. Mãi đến gần đây, trên một trang Website phía nam, tôi mới lần được ra đôi chút tin tức về Cảnh Trà. Rằng anh đã nghỉ hưu tại một thị trấn xa xôi sát biên giới Căm pu chia, anh đang làm Chủ tịch Mặt trận xã, cái chức 10 năm rồi không ai thay được. Lại còn thêm mấy mẩu chuyện gần như giai thoại, ví như tuy anh có nhà trong thị trấn nhưng hàng ngày lại ngồi trên một cái chòi trong rẫy sâu, nhâm nhi li rựu, vừa coi rẫy vừa làm thơ. Lại kể có lần vị chủ tịch Mặt trận ấy vì ghét cái lối văn báo cáo lằng nhằng, đã viết một " báo cáo" theo kiểu tinh gọn của nhà thơ, kết quả bản báo cáo đã bị Mặt trận cấp trên gửi trả lại với dòng phê : Chưa biết viết báo cáo, cần cho đào tạo lại ! Chưa hết, lại một lần đi khám mắt, vì tuổi cao, mắt kém nhìn mãi vẫn không đọc được mấy chữ trên bảng khiến cô ý tá phải hỏi : Bác có biết chữ không ? Cảnh Trà buột mồm : Không ! Thế là cô y tá nhiệt tình kia đã kéo nhà thơ lại sát và giảng giải : Chữ cong cong này là chữ Cờ ( C), chữ có ba vạch nghiêng qua một bên này là chữ E..Nhà thơ ngoan ngoãn gật gù nhắc lại : Chữ cờ, chữ E...
     Tôi không chắc những mẩu chuyện cười ra nước mắt trên kia mấy phần thật, mấy phần là thêm thắt của dân gian. Nhưng như thế có nghĩa là, dù ở một nơi heo hút nhất thì Cảnh Trà cũng không mất hút, thậm chí anh đã trở thành một nhân vật của dân gian.
     Cách đây đúng một ngày, bất ngờ tôi nhận được một phong thư dày cộp. Ngoài bì ghi người gửi là Cảnh Trà, người nhận là Lê xuân Đức- giám đốc Sở Văn hoá Quảng Trị.Cầm cái bì thư mà tôi ứa nước mắt vì sự nhầm lẫn đến buồn cười. Tôi họ Nguyễn đã thành Lê, tôi đã là thảo dân hơn một năm rồi mà vẫn gọi là giám đốc. Chỉ chút ấy thôi đủ thấy sự xa cách hun hút biết chừng nào . Nhưng đến khi mở phong thư thì..mới càng sửng sốt hơn. Đó là một tập giấy đánh máy mấy bài thơ của anh. Chấm hết. Không có lấy một dòng hỏi thăm, không có một câu nhắn gửi rằng tôi phải làm gì với mấy bài thơ đó.Không cho tôi biết một tí thông tin nào về anh như đang sống ở đâu, làm gì, thậm chí không có số điện thoại hay cái gì đó để liên lạc. Các bạn thấy con người này có siêu phàm không ?
     Tôi loay hoay mãi mà không biết phải làm gì. Rất muốn post ngay chùm thơ mới này lên mạng , nhưng không biết tác giả có cho phép không. Đêm tôi nằm và nghĩ, sáng mai nhất định sẽ đăng lên trang Web với hai lí lẽ sau : Một là, anh đã chép thơ gửi cho tôi có nghĩa là anh đã phổ biến, ít nhất là bằng phương thức chuyền tay. Hai là tôi tin, rất nhiều bạn bè anh trên đất Vĩnh Linh- Quảng Trị này đều có chung tình cảm như tôi, đang rất nhớ anh, chờ tin anh. Vì vậy hôm nay tôi quyết định công bố. Nếu biết được, mong Cảnh Trà thấu hiểu cho thằng em này.
CHÙM THƠ MỚI CỦA CẢNH TRÀ 
Gái goá phơi rơm
( xẩm chợ ) 
Em là gái goá phơi rơm
Cái ngày chồng mất em còn mang thai
Trước đây đã có một trai
Đận đó sinh gái, cả hai vuông tròn 
Đụng nhau cũng ở ổ rơm
Khi thành chồng vợ nằm giường rơm không! 
Đêm dài quay quắt nhớ chồng
Nên chi em lại ra đồng phơi rơm 
Trời loang, đồng loãng, gió trơn
Vài cơn nắng nỏ như ươm tơ trời
Rơm khô thơm lắm người ơi
Ổ rơm ấm lắm hỏi người biết không ? 
Tiếc em là gái goá chồng
Nhớ chồng gái goá ra đồng phơi rơm . 
Em là gái goá phơi rơm..
( hát lại từ đầu ) 
Đêm thăm thẳm bồi hồi nhớ cụ Duyến đàn ở địa đạo Vĩnh Linh 
Địa đạo đào sâu mười bảy thước
Đất bazan như trộn máu người
Đèn là lửa đốt từ dép đứt
Ăn lương khô, ít có rau tươi.
Đội du kích thôn Liêm Công Đông
Vừa đi đánh giặc bên kia sông
Bắn tỉa ở Cồn tiên, Dốc miếu
Cận canh hai mới về tới hầm. 
Ngồi, đứng lô nhô đạn dựa vách
Súng trường Hung cao quá đầu người ( * )
Quanh Cụ Duyến như bên ông nội
Con cháu hồn nhiên tiếng nói cười 
Biết tất cả đã ngồi yên tại chỗ
Cụ bê cây đàn mười sáu giây
Nhấn cao thấp giây khơi, giây lộng
Rồi gẩy trần bằng những móng tay 
Điệu phú lục trầm tư u tịch
Câu huê tình ngọt mật, tơ ươm
Tứ đại cảnh khoan thai, mải miết
Cổ bản dằng dặc, phẩm tiết mang mang (**) 
Đang mê man, bỗng một giây bị đứt
Người nghệ sĩ ôm cây đàn vào ngực
Như ôm đứa con vừa mới bị thương
Cụ ngồi im úp mặt xuống thành đàn!
Chiến trường bộn bề, giây đàn chưa thể có ngay
Đến ngày hoà bình chúng tôi có giây thay
Nhưng Cụ Duyến đã không còn nữa
Về cõi vĩnh hằng vẫn canh cánh thiếu giây.. 
Nghe kể lại trước khi Cụ mất
Cụ bảo cháu con mang đàn đến để thăm
Biết đàn vẫn còn thiếu giây, Cụ nhắc
Lúc nào đàn đầy giây hãy chôn cạnh chỗ Cụ nằm. 
CT: Cụ Duyến quê ở thôn Tùng Luật, xã Vĩnh Giang, Vĩnh Linh- Quảng Trị là Nghệ nhân chơi đủ và hay các loại nhạc cụ dân tộc gồm bộ gõ, bộ giây, bộ hơi vùng trung trung bộ. Cụ là thầy của Nghệ sĩ nhân dân Châu Loan. Cụ từng được Bộ Văn hoá nước CHDCĐ TRiều Tiên mời sang đàn cho tướng quân Kim Nhật Thành nghe. Trong chiến tranh chống Mỹ, Cụ thường đến đàn ở các hầm du kích Vĩnh Linh.
(*) Súng bắn tỉa của Hung-ga-ri viện trợ
(**) Tên một số bản ca Huế.
  
Mót lúa
 Chị thấy rồi
Trên đám ruộng vừa gặt xong
Cả mùa lúa đã theo xe bà con vào làng
Như đám cưới đưa dâu về nhà chồng
Chỉ còn trơ lại bông lúa sót
Lẻ loi
đứng gập mình
bên những cọng rạ dập nhàu phờ phạc !
Chị thấy rồi
mấy hạt thóc rơi
Vàng sộm
Ánh lên như bạc, như vàng
trên vũng bùn thơm
Nhão nhoét !
Chị tuốt bông lúa sót
Chị vóc bùn đãi thóc
Đựng vào chiếc thúng đan dày bằng tầm vông cật.
Hoàng hôn
Mặt trời tà bên dốc
Chị đội lúa, nước và bùn lên đầu
Thúng nặng
Đường sương
Bước chân vui
Ì ạch... 
Đám trẻ
ùa ra
Hoan hô..hoan hô..
Mẹ về !.. 
Bão giá 
Mấy bữa nay cơn bão giá vọt lên cao ngất ngưỡng
Các bà ra chợ nhìn hàng lui tới
chẳng dám mua
Tờ giấy bạc Polimer mệnh giá lè tè
nằm im re
trong ví lép
Đợi bão tan- Chờ đến bao giờ ? 
24/05/2008

 Đăng ngày 19/06/2008
Ý kiến về bài viết
  Gửi bởi: Đức Tiên - 19/06/2008

Thưa các bạn !
Nhà thỏ Cảnh Trà mỗi lần nhắc đến tên thì ai đã từng sống,chiến đấu ở vùng giới tuyến Vĩnh Linh,Gio Linh nơi có hàng rào điện tử Mác na Ma Ra đều biết. Anh là người đồng chí, người thầy của anh em văn nghệ chúng tôi. Là người dìu dắt chúng tôi trong những bước đi ban đầu đến với thi ca . Trong bút ký Chuyện không đâu, tôi đã viết lại.
Hôm rồi tôi cũng tình cờ đọc qua trang blóg của anh Hoàng Đình Quang Vũng Tàu có nhắc tới anh Cảnh Trà thế là tôi liền coment hỏi và được anh Quang cho số phôn.nhưng tôi đã phôn mấy lần vẫn không được. Chúng tôi rất mong liên lạc với anh để mời anh ra thăm. Hy vọng qua những bài thơ của anh mà nhà văn Xuân Đức giới thiệu, chúng tôi sẽ gặp đượpc anh.
Về phần thơ, tôi chỉ nói  anh Cảnh Trà mãi mãi là bậc thầy của chúng tôi ! Xin nhường lời bình cho bạn đọc !


  Gửi bởi: Từ Nguyên - 19/06/2008

Sau 1975, trên  báo Văn nghệ giải phóng in bài "Đưa dâu qua cầu Bến Hải" và tôi nghĩ, bài thơ chọn đăng lại lúc đó chắc phải nổi trội nhất của các tác giả trưởng thành trong kháng chiến. Tôi cũng đã đọc thêm một, hai bài gì đó của  Cảnh Trà nhưng không nhớ nổi. Có lẽ nhà văn Xuân Đức nên chêm vào bài thơ trên mới tương  xứng với lời giới thiệu về tác giả này. Còn...

  Gửi bởi: Xuân Đức - 19/06/2008

Gửi bạn Từ Nguyên : Tôi biết khá nhiều thơ của anh Cảnh thời chống Mỹ, nhiều bài chúng tôi đã biểu diễn phục vụ rất nhiều nơi đến nay âm hưởng của nó vẫn còn ngân vang. Tuy nhiên tôi hoàn toàn không có chủ đích giới thiệu một trang thơ điển hình của một tác giả,vì anh ấy không yêu cầu, mà như phần sapo tôi đã kể, anh Cảnh đã gửi tất cả những bài trên cho tôi nhưng không nói để làm gì cả. Tôi đăng tất cả các bài ấy như là cách thông tin cho những người bạn cũ của anh Cảnh và những người vốn yêu mến anh biiết chút gì đó của anh Cảnh hiện nay. Thế thôi.

  Gửi bởi: TB - 20/06/2008


Bão giá 
Mấy bữa nay cơn bão giá vọt lên cao ngất ngưỡng
Các bà ra chợ nhìn hàng lui tới
chẳng dám mua
Tờ giấy bạc Polimer mệnh giá lè tè
nằm im re
trong ví lép
Đợi bão tan- Chờ đến bao giờ ? 
24/05/2008
................................
Đợi bão tan - Chờ đến bao giờ?

Nhận xét

Chia sẻ cho bạn bè

Bài viết liên quan